Jana Ayad, một bé gái Palestine bị suy dinh dưỡng, được điều trị tại bệnh viện dã chiến của Quân đoàn Y tế Quốc tế ở phía nam Dải Gaza ngày 22/6/2024. Ảnh: Reuters |
Arwa Damon, người sáng lập tổ chức từ thiện Mạng lưới Quốc tế về cứu trợ và hỗ trợ (INARA), đã đến Dải Gaza ba lần kể từ ngày 7/10/2023 trong các chuyến cứu trợ nhân đạo; chuyến đi sau tồi tệ hơn chuyến đi trước. Từ khi cửa khẩu biên giới Rafah đóng lại với việc Israel tấn công phía nam Dải Gaza, viện trợ nhân đạo, vốn không đủ đáp ứng nhu cầu từ đầu, đã giảm mạnh.
Tại khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) của Bệnh viện al-Aqsa, Damon gặp một bé gái một tuổi rưỡi cần ống khí quản dành cho trẻ em nhưng không có sẵn. Nếu vượt qua được, bé sẽ thức dậy và nhận ra mình là trẻ mồ côi.
Nằm trên giường bên cạnh là một cậu bé 13 tuổi bị bỏng nặng, không nên ở trong ICU mà nên ở khoa bỏng. Bệnh viện không có đủ băng gạc để thường xuyên thay băng cho vết thương của cậu; điều này sớm dẫn đến nhiễm trùng máu.
Ngay cả xà phòng cũng khan hiếm. Những gì có trên thị trường chợ đen thì bị đội giá quá cao. Từ tháng 6, các tổ chức cứu trợ không thể đưa bộ dụng cụ vệ sinh vào với số lượng lớn. Sự lây lan các bệnh truyền nhiễm, từ viêm gan A đến viêm màng não, bệnh ngoài da impetigo (một loại vi khuẩn ăn thịt) đang đe dọa tính mạng của những đứa trẻ có cơ thể quá yếu và suy dinh dưỡng, không thể chống lại nhiễm trùng. Điều này tạo thêm áp lực cho các bệnh viện vốn đã hoạt động một cách chật vật.
Nỗ lực nhân đạo trong cuộc chiến Israel-Hamas còn phải đối mặt những thách thức vô lý từ việc Israel quyết định món đồ gì sẽ được thông qua và sau khi các kiện hàng được thông qua, việc có thể nhận chúng để phân phát cho người dân Palestine một cách an toàn cũng là một thách thức.
Tóm lại, Dải Gaza đã bị lực lượng Israel chia cắt thành hai phần rõ rệt. Việc di chuyển từ bắc xuống nam cũng như việc tiếp cận các điểm nhận viện trợ nhân đạo cần sự cho phép của Israel.
Tuy nhiên, các tuyến đường này (do Israel xác định, đặc biệt là ở phía nam) đã trở thành nơi ẩn náu của tội phạm, trộm cướp. Các tổ chức cứu trợ như INARA nhiều lần yêu cầu được đi trên các tuyến đường an toàn, nhưng không được đáp ứng. Lực lượng cảnh sát Gaza hồi đầu năm nay được điều động bảo đảm các tuyến đường, nhưng Israel đã ném bom họ.
Gần đây hơn, một tổ chức cứu trợ khác là ANERA vận chuyển nhiên liệu, thực phẩm đến bệnh viện của Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) nhưng đã bị phía Israel tấn công.
“Israel không cần giết thêm người dân Gaza nữa. Người dân Gaza sẽ chết theo những cách đau đớn hơn, với số lượng lớn hơn nếu chúng tôi, các tổ chức nhân đạo, tiếp tục bị cản trở và không thể cung cấp những gì mà người dân cần”, Damon nói.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới, 96% dân số Gaza đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, với 2,15 triệu người ở mức độ khủng hoảng đói hoặc tệ hơn. Gần nửa triệu người trong số này đang ở trong tình trạng thảm khốc.
Ali, người đàn ông Palestine ở phía bắc Gaza, ngày nào cũng ra ngoài, giữa những đợt ném bom và pháo kích dai dẳng của Israel, để tìm kiếm thức ăn cho gia đình. Nhưng hầu hết các ngày, anh đều chán nản trở về tay không. “Chúng tôi không còn hỏi ‘Khi nào chiến tranh kết thúc?’ mà nói ‘Khi nào có đồ ăn?”, anh Ali nói với Middle East Eye.
Ngày 7/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza, đưa các con tin trở về nhà, cho phép tăng cường viện trợ nhân đạo để giảm bớt đau khổ trên thực địa, đảm bảo an ninh cho Israel và chấm dứt cuộc chiến này. Người Israel và người Palestine đều xứng đáng được sống trong an ninh, phẩm giá và hòa bình”. Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tưởng nhớ “những người đã khuất ở Jerusalem” trong một sự kiện tổ chức chung với giới chức thành phố, một năm sau vụ tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas.
Nỗi đau của con tin và gia đình
Cuộc chiến bắt đầu từ một cuộc tấn công chưa từng có của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023. Trong cuộc đột kích này, các chiến binh Hamas giết khoảng 1.200 người và bắt giữ 251 con tin - 97 trong số đó vẫn còn bị bắt giữ một năm sau, và khoảng một phần ba trong số đó được cho là đã chết.
Một năm qua, tổn thất to lớn về tinh thần, tâm lý của việc Hamas bắt giữ con tin vẫn ảnh hưởng không chỉ đến những người bị giam giữ mà còn cả gia đình họ. Với gia đình con tin, hành trình của họ kéo dài và đầy áp lực. Họ phải đối mặt với nhiệm vụ đấu tranh cho sự trở về an toàn của người thân, trong khi cố gắng vượt qua sự tàn phá tinh thần và thực tế của một tương lai bất định.
Mỗi ngày mang đến những nỗi sợ hãi mới khi gia đình phải đối mặt với bối cảnh phức tạp của căng thẳng địa chính trị và đàm phán quốc tế. Sự đấu tranh không ngừng của các gia đình con tin và nỗi sợ hãi hằng ngày về mất mát đè nặng tâm trí họ.
Thảm kịch tinh thần trở nên nghiêm trọng đối với những người mất đi thân nhân bị bắt làm con tin. Thực tế rằng những giây phút cuối cùng của người thân đã trải qua trong cảnh bị giam giữ càng làm tăng thêm nỗi đau của gia đình họ. Nỗi đau này làm quá trình tang lễ diễn ra khó khăn, phức tạp và khiến gia đình cảm thấy tan nát khi phải đối mặt thực tế khắc nghiệt của chiến tranh.
Đối với những con tin đã được thả, quá trình hòa nhập lại xã hội là một thử thách không thể phủ nhận. Các gia đình vui mừng vì sự trở về của người thân, nhưng bản thân các con tin thường mang vết thương tinh thần kéo dài, và cảm giác tội lỗi của người sống sót là một gánh nặng kinh khủng mà họ phải gánh chịu. Họ thường gặp khó khăn trong việc dung hòa giữa việc mình được trả tự do với sự tiếp tục giam cầm hoặc cái chết của những người khác cùng bị bắt với họ.
Con đường phục hồi tâm lý đầy chông gai và thách thức kéo dài trong việc trở lại cuộc sống là một lời nhắc nhở đau đớn rằng, những tác động của việc bị bắt làm con tin không kết thúc sau khi họ được thả.
Chiều 7/10, Israel tuyên bố chặn được năm quả đạn pháo phóng từ phía bắc Dải Gaza. Trước đó cùng ngày, chín quả đạn pháo được phóng từ phía nam Gaza, khiến hai người bị thương. Một năm qua, xung đột Israel-Hamas khiến khoảng 41.000 người Palestine thiệt mạng, 1,9 triệu người phải đi sơ tán, theo cơ quan y tế Gaza.