Câu chuyện của bác sĩ Đỗ Tiến Dũng (Khoa Sản, BV Bưu Điện) đã chỉ ra một tình trạng rằng, rất nhiều người hiện vẫn chủ quan, cho rằng chỉ quan hệ một lần thì không sao, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Trên thực tế, chỉ cần một lần quan hệ tình dục không an toàn, vi khuẩn gây bệnh lậu có thể xâm nhập vào cơ thể và gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra bệnh lậu. |
“Gần đây nhất, một thai phụ đến khám định kỳ với triệu chứng đi tiểu buốt, nghi là bị viêm nhiễm vùng kín do vi khuẩn thông thường. Song khi thăm khám cụ thể và làm các xét nghiệm thì hóa ra bệnh nhân bị lậu. Khi bác sĩ hỏi về tiền sử, cô ấy nói: “Em chỉ quan hệ một lần duy nhất với chồng vào tháng trước. Về sau, bệnh nhân kể lại, trong lúc vợ bầu không đáp ứng được nhu cầu sinh lý, anh chồng đã đi tìm của lạ qua mạng xã hội. Trùng hợp là người chồng này cũng khẳng định, mình chỉ sa ngã đúng một lần”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Bệnh lậu tên khoa học là Neisseria gonorrhoeae, thuộc nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục, do quan hệ không an toàn. Đối tác nữ có vi khuẩn lậu trong âm đạo, cổ tử cung, miệng, họng, thậm chí là hậu môn, sẽ lây cho người nam trong những lần quan hệ không an toàn. Người nam này sau đó lây cho đối tác nữ khác với cơ chế tương tự. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến với nam nữ trong độ tuổi sinh sản.
Các yếu tố thuận lợi cho sự lây lan của bệnh lậu vô cùng đa dạng. Đầu tiên, quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là không sử dụng bao cao su, là con đường truyền nhiễm chính. Việc có nhiều bạn tình cũng làm tăng đáng kể nguy cơ phơi nhiễm. Bên cạnh đó, những người đã từng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác hoặc có hệ miễn dịch suy yếu cũng dễ mắc bệnh lậu hơn. Ngoài ra, việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, bồn tắm với người bệnh cũng là một yếu tố nguy cơ. Thậm chí, bệnh lậu còn có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.
Phụ nữ mang thai nhiễm lậu có thể truyền bệnh sang con, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. |
Biểu hiện của bệnh lậu trong thời gian đầu không rõ ràng nên rất khó nhận biết. Sau vài ngày, người bệnh mới phát hiện triệu chứng bất thường như dương vật bị chảy mủ, ngứa hậu môn và chảy máu, một số người bị tiêu chảy và đau khi đi vệ sinh. Khi nhiễm trùng lan sang các khu vực xung quanh như bìu và tinh hoàn, nam giới nguy cơ bị viêm mào tinh hoàn, dẫn đến vô sinh.
Phụ nữ mắc bệnh lậu hầu như không có triệu chứng cụ thể nên thường bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với những bệnh phụ khoa thông thường. Ở giai đoạn nặng, bệnh xuất hiện các triệu chứng như tiểu đau buốt, có mủ màu xanh, vàng chảy ra từ niệu đạo, cổ tử cung, vùng kín có mùi hôi tanh bất thường.
Biến chứng khác của bệnh lậu là làm tăng nguy cơ lan rộng hoặc bị nhiễm HIV. Các vi khuẩn lan vào máu và các bộ phận khác cơ thể như đến các khớp gây sưng đau, vào mắt gây ảnh hưởng thị lực. Phụ nữ mang thai nhiễm lậu có thể truyền bệnh sang con, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
Bác sĩ Dũng cho biết, bệnh nhân sau đó đã được điều trị với một phác đồ cẩn trọng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân cũng phải tái khám định kỳ để theo dõi tiến trình điều trị và phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra. Việc điều trị bệnh lậu sớm và triệt để sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm như sinh non, sảy thai, viêm màng ối và nhiễm trùng mắt ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, người chồng của sản phụ cũng được điều trị đồng thời để tránh tái nhiễm.
Quan hệ tình dục an toàn là cách phòng bệnh lậu hiệu quả. |
Để phòng tránh bệnh lậu hiệu quả, bác sĩ khuyến cáo:
- Quan hệ tình dục an toàn: Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để tạo rào cản vật lý ngăn chặn vi khuẩn lậu xâm nhập.
- Hạn chế số lượng bạn tình: Việc có nhiều bạn tình làm tăng đáng kể nguy cơ phơi nhiễm với vi khuẩn gây bệnh.
- Khám sức khỏe định kỳ: Nên đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi có các triệu chứng bất thường ở bộ phận sinh dục.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân: Tránh sử dụng chung khăn tắm, bồn tắm, đồ lót... với người bệnh để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
- Tiêm phòng vắc xin: Hiện nay, chưa có loại vắc xin phòng bệnh lậu nào được cấp phép sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng bệnh lậu vẫn đang được tiến hành.