Bão mạnh trên vịnh Bắc bộ, mưa lớn kéo dài
Hôm nay (23/7), bão số 2 đổ bộ đất liền khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, trở thành cơn bão đầu tiên đổ bộ nước ta sau chuỗi ngày kỷ lục hơn 640 ngày không có bão. Dự báo sau khi đi vào đất liền, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, quần thảo khá lâu ở khu vực Đông Bắc Bắc bộ do tốc độ di chuyển rất chậm. Trong đêm nay, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão sẽ di chuyển đến biên giới Việt - Trung, tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần.
Bão số 2 gây mưa lớn cho các tỉnh miền Bắc, trong đó có thủ đô Hà Nội. Ảnh minh hoạ: Duy Phạm |
Dự báo do ảnh hưởng của bão số 2, miền Bắc và Thanh Hóa tiếp tục có mưa lớn trong hôm nay và ngày mai, trong đó ngày và đêm nay sẽ là thời gian mưa đỉnh điểm. Dự báo tổng lượng mưa ở Đông Bắc bộ tính từ đêm 22/7 đến ngày 24/7 từ 100-200mm, có nơi trên 300mm. Khu vực Tây Bắc bộ và Thanh Hóa từ ngày 23/7 đến ngày 24/7 từ 50-100mm, có nơi trên 200mm. Từ đêm 24/7, mưa lớn ở khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa có xu hướng giảm dần.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, dự báo khoảng tháng 9, Việt Nam sẽ chịu tác động của La Nina, tình hình mưa bão ở các tỉnh miền Trung sẽ diễn biến rất phức tạp. Từ nay đến tháng 10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-4 cơn đổ bộ vào đất liền. Con số này cao hơn một chút so với trung bình nhiều năm khi thời gian này thường có 6-7 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, 3 cơn vào đất liền nước ta.
Thủ đô Hà Nội, dù không nằm trên đường đi của bão nhưng cũng đón mưa rất to do ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Dự báo tổng lượng mưa ở Hà Nội từ đêm 22/7-24/7 là 80-150mm, có nơi trên 200mm. Một số huyện ở phía nam và phía tây của thành phố mưa ít hơn, từ 60-120mm, có nơi trên 150mm.
Do ảnh hưởng của mưa bão, hôm nay và ngày mai, trên các sông ở khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2-5m.
Thiên tai ngày càng khốc liệt
Thời điểm áp thấp nhiệt đới ở khu vực Giữa Biển Đông mạnh lên thành bão (sáng 21/7), ngoài khơi Philippines cũng có một cơn bão khá mạnh hoạt động là bão Gaemi. Các chuyên gia nhận định, sự tương tác giữa hai cơn bão này có thể xảy ra, vì thế đường đi của bão số 2 sẽ rất khó lường nhưng đây là cơn bão yếu với cường độ mạnh nhất khoảng cấp 8.
Tuy nhiên, sáng 22/7, sau khi ma sát với đảo Hải Nam của Trung Quốc, bão số 2 chỉ suy yếu một chút và nhanh chóng mạnh trở lại ngay trong sáng qua sau khi gặp các điều kiện rất thuận lợi ở vịnh Bắc bộ. Đến chiều qua (22/7), theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, bão đã đạt đến cường độ cấp 10, giật cấp 13, tăng hai cấp so với thời điểm đi vào đảo Hải Nam, trở thành cơn bão mạnh trên vịnh Bắc bộ.
Việc bão duy trì cường độ mạnh khiến cho vùng biển vịnh Bắc bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) ghi nhận gió mạnh cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 13, biển động rất mạnh, sóng biển cao 2,5-4,5m. Trên đất liền khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng có khả năng chịu tác động của gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10-11. Khu vực Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 5-6, có nơi cấp 7, giật cấp 8-9.
Cơ quan khí tượng đặc biệt lưu ý, ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định trong chiều nay có triều cường cao. Thuỷ triều cao kết hợp với nước dâng do bão (mực nước tại Hòn Dấu cao từ 3,9-4,1m, tại Cửa Ông từ 4,7-4,9m) kèm theo sóng lớn có thể gây ngập tại khu vực trũng, thấp ven biển, ven sông và làm chậm quá trình thoát lũ trên các sông tại khu vực.
Một điểm nguy hiểm khác của bão số 2 là tốc độ di chuyển khá chậm. Từ khi đi vào vịnh Bắc bộ, bão số 2 di chuyển với tốc độ chỉ khoảng 5-10km. Dự báo khi đổ bộ đất liền, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 2 tiếp tục di chuyển rất chậm. Do thời gian quần thảo trên vịnh Bắc bộ và trên đất liền kéo dài nên tác động của bão số 2 lớn hơn, nguy hiểm hơn.
Bão số 2 cùng với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông vào giữa tháng 7 và cơn bão số 1 vào cuối tháng 5 cho thấy, thiên tai ngày càng khốc liệt và dị thường khi các cơn bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay tại Biển Đông với đặc điểm diễn biến nhanh, khó lường và thường ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.