Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh ĐH năm 2024. Ảnh: Diệp An |
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT) dù tuyển sinh ĐH giữ ổn định trong thời gian qua nhưng mỗi năm, việc thực hiện thao tác đăng kí nguyện vọng xét tuyển đều mới đối với thí sinh. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã có clip hướng dẫn chi tiết từng bước đăng kí để thí sinh thực hiện theo. Bà Thủy lưu ý thí sinh cần nắm rõ một số mốc thời gian quan trọng khác như thời gian xét tuyển thẳng, công bố kết quả xét tuyển, xác nhận nhập học trực tuyến…
Bộ GD&ĐT yêu cầu, trường ĐH tuyệt đối không đặt ra những yêu cầu gây phiền hà cho thí sinh như: nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, giấy xác nhận thông tin về cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính (theo quy định của Chính phủ...). Đồng thời không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học đối với những phương thức xét tuyển sớm khi chưa có kết quả lọc ảo cuối cùng. Tuy nhiên, thí sinh trúng tuyển phương thức xét tuyển thẳng được xác nhận nhập học trong khoảng thời gian từ ngày 17 - 23/7 theo hình thức trực tuyến.
Thí sinh nên cân nhắc vì nếu đã xác nhận nhập học, không được tham gia xét tuyển bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học. Trong trường hợp chưa xác định nhập học, thí sinh có thể tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống như các thí sinh khác để các cơ sở đào tạo xét tuyển. Nếu trúng tuyển thí sinh sẽ xác nhận nhập học theo lịch chung.
Thực tế nhiều thí sinh băn khoăn, khi trúng tuyển nhiều trường ĐH bằng phương thức xét tuyển sớm có cần đăng kí các nguyện vọng này lên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT và đăng kí như thế nào để được học đúng trường yêu thích mà không trúng tuyển “nhầm”?
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa cho biết, năm nào cũng có thí sinh trượt ĐH bởi lí do đáng tiếc. Hiện các trường ĐH đã công bố điểm chuẩn đủ điều kiện trúng tuyển sớm. Khi có kết quả tốt nghiệp THPT, thí sinh bắt buộc đăng kí nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Đối với nguyện vọng đã trúng tuyển sớm, thí sinh không bắt buộc phải đặt là nguyện vọng 1. Trường hợp thí sinh đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm là nguyện vọng 1 thì chắc chắn trúng tuyển. Mặt khác các em đặt trúng tuyển sớm là nguyện vọng thứ n, thì dù các nguyện vọng phía trên có bị trượt, khi xét đến nguyện vọng này vẫn trúng tuyển.
Ở 5 tổ hợp xét tuyển truyền thống (A00 - Toán, Lí, Hóa; A01 - Toán, Lí, Anh; B00 - Toán, Hóa, Sinh; D01 - Toán, Văn, Anh; C00 - Văn, Sử, Địa), năm nay “lạm phát” thủ khoa tổ hợp C00 khi có tới 19 thủ khoa cùng đạt mức điểm 29,75 và Bắc Ninh chiếm 13/19 thủ khoa. Bốn tổ hợp còn lại, mỗi tổ hợp chỉ có 1 thủ khoa. Sở dĩ lạm phát thủ khoa tổ hợp C00 do điểm thi môn Ngữ văn ở mức cao bất thường, cùng với đó môn Sử, môn Địa có nhiều điểm 10; số lượng điểm 10 môn Địa cao gấp gần 10 lần năm trước với trên 3 nghìn em, môn Sử hơn 2 nghìn em.
Có nên quy định mức sàn chung để xét tuyển?
Hiện nay, các cơ sở đào tạo bắt đầu thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn). Các thí sinh cần nắm rõ điểm sàn của từng trường cũng như tham khảo điểm chuẩn của những năm gần đây để cân nhắc, lựa chọn đăng kí xét tuyển cho phù hợp.
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt Pháp) có điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển theo 4 phương thức dao động từ 18 - 22 điểm/tổ hợp 3 môn.
ĐH Quốc gia Hà Nội quy định chung điểm sàn là 20 điểm cho tất cả các cơ sở đào tạo trực thuộc, các tổ hợp xét tuyển. Dựa vào quy định chung này, các trường có thể đưa ra mức điểm sàn cao hơn. Riêng Trường ĐH Y dược, điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định. Điểm sàn của Học viện Phụ nữ Việt Nam dao động từ 15,5 đến 20 điểm/tổ hợp.
Điểm sàn giữa các trường hoặc giữa các ngành trong một trường có sự chênh lệch đáng kể. Hằng năm, có trường ĐH điểm sàn lên đến 23 - 25 điểm/tổ hợp nhưng có trường chỉ 15 điểm/tổ hợp. Điểm trúng tuyển ở nhiều trường chỉ loanh quanh mức 15 - 18 điểm/tổ hợp. Chính vì vậy, từ đầu mùa tuyển sinh năm nay, có ý kiến đề xuất cần có mức điểm sàn, nhất là với các trường tư, để không tuyển những thí sinh quá kém vào ĐH, đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng đề xuất này cần phải có đủ các căn cứ pháp lí và căn cứ thực tiễn để triển khai.
Về căn cứ pháp lí, theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT xác định và công bố điểm sàn tuyển sinh cho các ngành đào tạo giáo viên và các ngành đào tạo sức khỏe có chứng chỉ hành nghề. Về căn cứ thực tiễn, hệ thống cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam hiện nay đóng trên các địa bàn khác nhau trên toàn quốc, đào tạo các ngành phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền, khu vực, với đối tượng tuyển sinh khác nhau (từ thí sinh đang sinh sống, học tập ở vùng kinh tế phát triển, cho đến thí sinh tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, miền núi hải đảo).
Về phía các cơ sở đào tạo, các trường được thành lập trong những thời kỳ khác nhau, lịch sử dài ngắn khác nhau, thương hiệu, uy tín các trường cũng có sự khác biệt, phân cách. Do vậy, điểm trúng tuyển đầu vào các ngành/trường khác nhau nhiều, nhưng nhìn chung không dưới 15 điểm (nhóm ngành khó tuyển như các ngành nông lâm, ngư nghiệp…) và có ngành/trường trên 27 điểm (khối ngành sức khoẻ, pháp luật, kinh tế - quản lý, quốc phòng an ninh…).
“Xem xét các phân tích nêu trên thì việc quy định mức sàn chung để xét tuyển đại học cho toàn hệ thống là chưa có căn cứ chắc chắn, chưa đảm bảo tính khả thi để phát huy tác dụng trong thực tiễn”, bà Thủy nói.
Điểm chuẩn đi về đâu?
Thống kê cho thấy, có trên 160 nghìn thí sinh có điểm tổ hợp C00 từ 24 điểm trở lên, cao gấp 3,8 lần năm 2023 và gần 2,7 lần năm 2022.
Ở mức điểm cao từ 27 điểm, năm nay có gần 29 nghìn thí sinh đạt, cao gấp 11 lần năm 2023 và 6,8 lần năm 2022. Ở mức điểm 28 thì năm nay tăng gấp10 năm ngoái; năm nay có 7.620 em, năm ngoái là 740 em đạt được. Ở các mốc điểm cao hơn nữa, từ 29,25 điểm trở lên, mọi năm số lượng đếm đầu ngón tay, năm nay cả nước có 380 em đạt từ 29,25 điểm (năm ngoái chỉ có 7 em).
Từ phổ điểm cho thấy, điểm chuẩn năm nay của tổ hợp C00 ở các trường rất khó lường. Đối với các trường ĐH khi đề thi không phân hóa, việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.