Giải mã hành trình phi lý của Tam sư

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bóng đá đầy những trớ trêu và sự phi lý. Để giải thích cho thành công của tuyển Anh, chỉ có thể nói rằng đội bóng của Gareth Southgate là chuyên gia nắm bắt khoảnh khắc, chỉ tỏa sáng ở những thời điểm quyết định cuộc chơi.

“Nếu có thể, tôi mong các bạn giành chiến thắng trong 90 phút, thay vì những bàn thắng kỳ diệu vào phút cuối hay loạt luân lưu. Tôi tin điều đó sẽ giảm bớt áp lực lên con tim và huyết áp của CĐV cả nước”, lời nhắn nhủ của Vua Charles III đã nhấn mạnh nét đặc trưng trên hành trình tới chung kết EURO 2024 của đội tuyển (ĐT) Anh.

Giải mã hành trình phi lý của Tam sư ảnh 1

Tuyển Anh ăn mừng chiến tích vào chung kết EURO 2024. Ảnh: FOX

Không phải các chiến thắng áp đảo. Những màn trình diễn bắt mắt lại càng không. Phần lớn các trận đấu Tam sư sống trong nỗi sợ hãi bại trận. Nhưng rồi, vào thời điểm ít ai ngờ tới, khoảnh khắc huy hoàng được tạo ra và họ giành chiến thắng. Sau tuyệt phẩm vào lưới Slovakia của Jude Bellingham, màn đá luân lưu xuất sắc loại Thụy Sĩ, là pha lập công phút 90+1 tiễn Hà Lan về nước của Oliver Watkins. Ở vòng knock-out, 3 lần bị dẫn trước là 3 lần tuyển Anh ngược dòng kì vỹ. Ngay cả Đại sứ quán Đức ở London cũng chỉ biết lắc đầu, sau đó sửa câu nói kinh điển vốn được dùng để ca ngợi tuyển Đức, thành “bóng đá là trò chơi đơn giản, hai đội chạy theo quả bóng suốt 90 phút và Anh là đội thắng cuộc”.

Bây giờ đội bóng từng bị la ó, chỉ trích lại có mặt ở trận cuối cùng. Đây là lần đầu tiên tuyển Anh vào chung kết giải đấu lớn ở bên ngoài lãnh thổ, và lần thứ 2 liên tiếp tiến sát tới giấc mơ vô địch châu Âu. Họ có thể không xuất sắc bằng thế hệ 1966 của Gordon Banks, Bobby Moore hay Bobby Charlton, cũng không được đánh giá cao bằng lứa 1990 của Peter Shilton, Gary Lineker và Paul Gascoigne, thậm chí bị cho là “đội bóng đáng thất vọng nhất thế giới” theo đánh giá của tờ Time, nhưng lại tạo nên điều phi thường không gì sánh nổi.

Đôi khi đó là cách bóng đá vận hành. Để thắng một trận đấu hay tiến ở một giải đấu không nhất thiết phải duy trì hiệu suất nhất quán liên tục. Điều quan trọng là nắm bắt thời khắc quyết định. Anh đã làm được điều đó. Họ có thể vô hồn suốt một thời gian dài nhưng đến một lúc, đột nhiên bừng tỉnh, bước ra khỏi cơn mê và làm nổ tung cảm xúc.

4 lần dẫn dắt tuyển Anh ở các giải đấu lớn (World Cup/EURO), Southgate vào chung kết tới 2 lần (EURO 2020, 2024). Trước đó, Tam sư tham dự 23 giải nhưng chỉ vào chung kết một lần (World Cup 1966 diễn ra trên sân nhà).

Những lần thay người thay đổi vận mệnh cuộc chơi cũng là bằng chứng cho thấy Tam sư giỏi tạo ra sự đột biến tức thời đến thế nào. HLV Gareth Southgate không phải thiên tài chiến thuật, cũng không nổi tiếng về mặt tâm lý. Ông còn bướng bỉnh đến khó chịu khi điều chỉnh nhân sự rất muộn. Ấy vậy mà lần nào nó cũng hiệu quả. Trước Hà Lan, đến tận phút 81 ông mới tung Cole Palmer và Watkins vào sân. 10 phút sau, Palmer có đường chuyền ngoạn mục để Watkins xoay người, dứt điểm chéo góc kết liễu Hà Lan.

“Tôi thề trước các con tôi, rằng trước trận tôi nói với Cole, hôm nay chúng ta sẽ vào sân, và cậu kiến tạo để tôi làm bàn”, Watkins hào hứng chia sẻ. Phải chăng đó là một loại linh cảm diệu kỳ, và Southgate cũng cảm nhận được nó, tương tự lúc ông đưa Alexander-Arnold vào sân để đá cú chót trong màn luân lưu với Thụy Sĩ, hay trao cơ hội cho Ivan Toney rồi chứng kiến anh này tạt bóng cho Harry Kane ấn định chiến thắng 2-1 trước Slovakia?

Không ai biết được. Nhưng chắc chắn Southgate không muốn sự nhàm chán kéo dài. Tuyển Anh chơi rất tệ ở phần đầu cuộc hành trình và tới bán kết, ngay trước ngưỡng cửa danh vọng, họ trở nên sống động hơn nhiều. Chất lượng và cường độ lên bóng đã có một bước tiến dài so với các trận trước. Tam sư tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn hơn hẳn với những đường chuyền giàu tham vọng, đồng thời mọi nhân tố đều chơi tốt và có tính liên kết.

Vào thời điểm quan trọng nhất, tuyển Anh như người ta mong đợi đã trở lại. Dù vẫn còn nhiều hoài nghi nhưng chắc chắn, họ là chuyên gia chiếm lĩnh sân khấu và tỏa sáng chỉ với một vài khoảnh khắc. Ở trận chung kết tới, nhiều người sẽ lại gặp rắc rối với tim và huyết áp như Vua Charles III lo lắng. Nhưng nếu Tam sư đăng quang, họ rất sẵn lòng.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.