Thi tốt nghiệp THPT: Giảm áp lực vì trúng tuyển sớm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm nay, trong số hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024, nhiều em nắm chắc trong tay tấm vé vào đại học (ĐH). Nhờ trúng tuyển sớm nên áp lực của kì thi tốt nghiệp đã giảm đáng kể.

Chị Nguyễn Thị Dung (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đưa con đến điểm thi với tâm thế yên tâm, phấn khởi. Con gái chị đã trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng và Trường Đại học Thương mại nên kì thi tốt nghiệp THPT này khá nhẹ nhàng. Từ nửa tháng nay, chị luôn khuyên con ăn, ngủ đủ giấc, tâm lí thoải mái. Cuối tuần, chị còn bố trí thời gian đưa con đi trung tâm thương mại vui chơi, ăn uống.

Theo bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội, phần lớn học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT năm nay của trường đã trúng tuyển sớm vào các trường ĐH trên cả nước. Trong đó có em trúng tuyển ngành học mong muốn, có em chưa. Nhưng dù vậy, tâm lí của các em là tự tin cố gắng để thể hiện hết khả năng. Có em vẫn muốn thi thật tốt để đạt được kết quả cao, khẳng định bản thân với gia đình và bạn bè. Thầy Mai Anh Hùng, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho hay các lớp 12 mà thầy tham gia giảng dạy có nhiều học sinh đã trúng tuyển sớm. Vì vậy, khi bước vào kì thi tốt nghiệp THPT, các em không quá căng thẳng, lo lắng.

Bài học kinh nghiệm năm 2023 về việc lọt đề thi Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT vẫn còn nguyên giá trị. Lần đầu tiên trong lịch sử khoa cử của Việt Nam có học sinh bị khởi tố vì làm lọt đề thi.

Không chỉ các trường ĐH dân sự, mà khối trường quân đội năm nay cũng có phương thức xét tuyển sớm như xét kết quả thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia và xét học bạ (trừ Học viện Quân Y và Học viện Kỹ thuật Quân sự).

Những năm gần đây, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm ngày càng tăng. Nhất là đối với những trường ĐH tốp đầu, phương thức xét tuyển sớm thường chiếm ưu thế về số lượng chỉ tiêu so với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Thi tốt nghiệp THPT: Giảm áp lực vì trúng tuyển sớm ảnh 1

Thí sinh làm thủ tục dự thi chiều 26/6 tại Trường THPT Thăng Long, Hà Nội

Ảnh: Mạnh Thắng

Theo Sở GD&ĐT Lai Châu, toàn tỉnh có 4.202 thí sinh đủ điều kiện dự thi. Trong đó có 1.219 thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp; 2.655 thí sinh xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH; 328 thí sinh tự do dự thi để lấy kết quả xét tuyển sinh ĐH. Lai Châu là một trong số những địa phương có số lượng thí sinh tham gia dự thi tốt nghiệp THPT thấp, chỉ bằng khoảng 4% số lượng thí sinh của Hà Nội. Số lượng thí sinh dự thi bài thi tốt hợp Khoa học Xã hội chiếm đến gần 80% tổng số thí sinh.

Nguyên tắc 10 câu dễ - 5 câu khó trong bài thi môn Toán

Chiều nay, ngày 27/6, thí sinh bước vào bài thi thứ 2, môn Toán. Theo thầy Mai Anh Hùng, khi vào phòng thi, thí sinh nên giữ tâm lí thoải mái, bình tĩnh. Thầy Hùng nêu nguyên tắc 10 câu dễ, 5 câu khó khi làm bài. Theo thầy, đối với những câu dễ, cứ 10 câu thí sinh lại nghỉ một chút rồi sau đó khoanh vào đề, tô đáp án vào phiếu. Với câu hỏi khó, cứ 5 câu, thí sinh nghỉ một chút rồi thực hiện các bước như trên. Nguyên tắc này giúp thí sinh không bị nhầm lẫn, tư duy luôn sáng suốt trong suốt quá trình làm bài.

Theo thầy Hùng, nếu thí sinh đến muộn nhưng vẫn trong thời gian quy định thì nên nhanh chóng di chuyển vào điểm thi bằng cách chỉ mang thẻ dự thi, căn cước công dân, dụng cụ được phép, còn lại để hết ở ngoài. Nếu có quên bất cứ loại giấy tờ nào, thí sinh không cần lo lắng mà đều có phương án hỗ trợ từ các thầy cô trong điểm thi. Vì việc lo lắng sẽ khiến thần kinh căng thẳng và sẽ tạo áp lực không tốt trong quá trình làm bài.

Bà Trần Thị Hải Yến, Điểm trưởng điểm thi Trường THPT Thăng Long, Hà Nội, cho biết ngoài các thông tin về quy chế, bà phổ biến tới các giám thị coi thi có nhiệm vụ nhắc nhở thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội là chỉ được phép mang atlat môn Địa lí chương trình giáo dục 2006, tránh nhầm lẫn với atlat chương trình mới 2018.

Trước kì thi, thầy cô cũng đã nhắc nhở thí sinh rất kĩ về những tình huống vi phạm quy chế thi, như mang điện thoại vào phòng thi. Năm nay, tại các cuộc tập huấn, Bộ GD&ĐT một lần nữa quán triệt vấn đề này đối với cán bộ coi thi, cán bộ làm công tác kiểm tra thi để có trách nhiệm liên tục nhắc nhở thí sinh trước khi phát đề.

MỚI - NÓNG