Tối 16/6, Bộ Biên tập tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Chương trình tôn vinh người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo lần thứ II, năm 2024 với chủ đề “Điểm tựa của bản làng”.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường phát biểu tại chương trình. Ảnh: Minh Nam. |
"Cầu nối" làm tăng thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, Quân đội
Dự chương trình có Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, cả nước có hơn 28,5 nghìn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong tất cả các lĩnh vực.
Thường trực Ban Bí thư nêu, có nhiều tấm gương đi đầu cùng với Bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ; tuyên truyền, vận động nhân dân tố giác tội phạm, không tin, không nghe theo kẻ xấu, không di cư tự do, truyền đạo trái phép…, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao Biểu trưng và Giấy chứng nhận của Chương trình “Điểm tựa của bản làng” cho các đại biểu người có uy tín tiêu biểu. Ảnh: Minh Nam. |
Nhiều người có uy tín giỏi làm ăn, biết áp dụng các kiến thức khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống vươn lên làm giàu chính đáng, vừa giúp đỡ bà con trong thôn, bản cùng có sinh kế bền vững; xây dựng và vận động nhân dân thực hiện các hương ước, quy ước tiến bộ của địa phương, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc...
Nhấn mạnh việc 200 đại biểu sẽ được tôn vinh tại chương trình, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, những hành động tốt, việc làm hay của đội ngũ người có uy tín, các già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc tôn giáo thực sự có sức lay động lòng người, truyền cảm hứng để những điều hay, lẽ phải ngày càng được nhân lên trong cuộc sống.
Các đại biểu dự chương trình. Ảnh: Minh Nam. |
"Người có uy tín thực sự là cầu nối giữa Đảng và dân, làm tăng thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, Quân đội và Bộ đội biên phòng. Sự bình yên và phồn vinh của biên cương Tổ quốc có công lao, đóng góp và hy sinh to lớn của đồng bào các dân tộc nói chung và của người có uy tín các dân tộc nói riêng. Đây thực sự là những “Điểm tựa của bản làng” ở những vùng đất trọng yếu của Tổ quốc chúng ta; là những tấm gương sáng, việc làm quý, rất đáng trân trọng, rất đáng được tôn vinh", Thường trực Ban Bí thư nêu.
"Mỗi người dân nơi biên giới là một cột mốc sống"
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nêu, biên giới quốc gia có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là tài sản vô giá mà cha ông ta đã tạo dựng qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước với bao hy sinh, gian khó để giữ gìn và trao truyền cho các thế hệ hôm nay. Bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, mà lực lượng nòng cốt, chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng là Bộ đội Biên phòng.
Trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều thuận lợi, thời cơ, song cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, để không ngừng phát huy sức mạnh của toàn dân tộc đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, để “mỗi người dân nơi biên giới là một cột mốc sống”, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, phải phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín ở khu vực biên giới, biển, đảo.
Vì vậy, các bộ, ban, ngành, lực lượng vũ trang và cấp ủy, chính quyền các cấp cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò hết sức quan trọng của người có uy tín gắn với thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và công tác vận động quần chúng. Xây dựng khu vực biên giới phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh nằm trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Các tiết mục văn nghệ tại chương trình. Ảnh: Minh Nam. |
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh việc thực hiện đúng tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín. Sớm phát hiện, bồi dưỡng, chuẩn bị những nhân tố có triển vọng trở thành lớp người có uy tín kế cận. Các chính sách đến với người có uy tín cần kịp thời, đầy đủ, tránh sự chậm trễ. Ngoài quy định của T.Ư, cấp ủy, chính quyền các cấp cần sáng tạo để có thêm những chế độ cho người có uy tín phù hợp điều kiện, đặc điểm,tình hình riêng của đơn vị, địa phương, nhất là trong việc hỗ trợ, trang bị những điều kiện cần thiết để người có uy tín hoạt động.
Theo Thường trực Ban Bí thư, Bộ đội Biên phòng cần gắn bó chặt chẽ và phối hợp công tác hiệu quả với đội ngũ người có uy tín ở khu vực biên giới. Tùy thuộc vào đặc điểm vùng miền, dân tộc, điều kiện của địa phương để đổi mới cách thức vận động quần chúng phù hợp, đa dạng, linh hoạt; bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc, phù hợp với thế mạnh và khả năng của từng người có uy tín trên các mặt công tác, các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương.
"“Tai nghe không bằng mắt thấy, miệng nói không bằng tay làm”, tôi đề nghị đội ngũ người có uy tín phải không ngừng củng cố uy tín, gương mẫu bằng hành động, việc làm thiết thực, cụ thể để gia đình, dòng họ, thôn bản, cộng đồng noi gương và làm theo", Thường trực Ban Bí thư nói, đồng thời nhấn mạnh, người có uy tín cần tiếp tục đi đầu phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, làm gương cho nhân dân phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng, xây dựng nông thôn mới; thực hiện nếp sống văn hóa mới, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tệ nạn mê tín dị đoan; vận động, giáo dục con cháu trong gia đình, dòng họ, thôn, bản…tham gia các tổ tự quản đường biên, cột mốc, phối hợp với Bộ đội biên phòng tổ chức tuần tra, bảo vệ biên giới...
"Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chính là sợi dây kết nối bền chặt tình đoàn kết keo sơn đó. Và, khi “có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng khẳng định", - Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nói.