Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters) |
Ông Ted Osius - Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, khẳng định: “Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường. Họ đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng để được công nhận quy chế chính thức”.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ nghe lập luận của hai bên trong cuộc điều trần trực tuyến vào chiều 8/5 tại Washington, như một phần của quá trình đánh giá đến cuối tháng 7.
Khi chưa được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường, hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường Mỹ dễ bị áp mức thuế chống bán phá giá cao hơn.
“Các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì họ nhận thấy tiềm năng tăng trưởng lớn”, ông Osius nói với Reuters.
Bộ Thương mại Mỹ có một bộ tiêu chí để đánh giá các quốc gia có nền kinh tế thị trường hay không.
Các tiêu chí bao gồm: Khả năng chuyển đổi tiền tệ; mức lương theo kết quả đàm phán giữa người lao động và chủ lao động; cho phép liên doanh hoặc hình thức đầu tư nước ngoài khác.
Những tiêu chí khác bao gồm: Chính phủ có sở hữu hay kiểm soát các phương tiện sản xuất hay không; chính phủ có kiểm soát việc phân bổ nguồn lực, giá và quyết định sản lượng hay không.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cũng cân nhắc một số yếu tố khác.
Chính quyền Mỹ thường dùng giá của nước thứ ba để tham khảo nhằm xác định giá bán công bằng.
Trong năm nay, Ủy ban Thương mại quốc tế của Mỹ đã gia hạn việc áp thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh từ Việt Nam, trong khi thuế áp với tôm tương tự từ Thái Lan chỉ ở mức 5,34%. Thái Lan đã được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường.
Quyết định nâng cấp quy chế cho Việt Nam có thể đối mặt với sự phản đối của các nhà sản xuất thép và nuôi tôm Mỹ, cũng như một số nghị sĩ trong Quốc hội, nhưng được các hãng bán lẻ và các nhóm doanh nghiệp khác ủng hộ.
Trong giai đoạn này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cần lôi kéo càng nhiều nhóm cử tri càng tốt trước khi bước vào cuộc bầu cử vào tháng 11, nhất là những công nhân ngành thép ở bang dao động Pennsylvania.
Ông Biden gần đây phản đối kế hoạch của hãng thép Nhật Bản Nippon Steel nhằm mua lại hãng US Steel ở Pittsburgh, đồng thời kêu gọi phải đánh thuế cao hơn với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.