Những ngày đầu tháng 4, từ trung tâm huyện Văn Chấn, đi ngược 30km theo QL32 rẽ vào xã Sùng Đô, phóng viên ghi nhận một ngôi trường khang trang nằm ngay trung tâm xã. Đây là ngôi trường mới được xây 2 tầng, với 15 phòng học, nằm tại vị trí rộng gần 1ha. Khu vực sân trường chưa đổ bê tông, cỏ mọc um tùm do bỏ không nhiều ngày.
Trên bề mặt sân nhiều điểm xuất hiện tình trạng sụt lún, hở rãnh sâu. Một số vị trí cột trụ, dầm có dấu hiệu bị nứt chân chim, chẻ dọc từ tầng 1 lên tầng 2. Trong lớp học, bàn ghế mới còn bọc trong giấy bóng được xếp gọn gàng, các phòng học được trang trí.
Điểm sạt lở phía sau đe dọa sự an toàn của Trường Mầm non Sùng Đô |
Phía sau trường học là khu vực đồi cao có taluy dựng đứng khoảng 30 - 40m, xuất hiện nhiều điểm taluy có dấu hiệu hở hàm ếch. Phía cuối trường học giáp ranh với các hộ dân sinh sống là một khu vực bị sạt lở dài gần 100m, cao từ 10 - 20m, chia làm nhiều cung trượt, nứt gãy nhiều tầng. Trên khu vực bị sạt lở, đất đá nứt gãy nhiều điểm hở sâu, có nguy cơ sụt trượt bất kỳ lúc nào.
Ông Cứ A Tủa (ở thôn Ngã Ba, xã Sùng Đô) cho biết, sau trận mưa lớn tháng 8/2023, khu vực mái taluy giáp ranh với trường học xuất hiện các điểm sạt lở. Dù mới xây xong, chuẩn bị khai giảng nhưng tình trạng sạt lở khiến các cô trò vẫn phải dạy và học tại trường cũ.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Giàng A Lứ, Chủ tịch UBND xã Sùng Đô, cho biết, tháng 6/2022, UBND huyện Văn Chấn đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng trường học mới tại khu vực trung tâm xã Sùng Đô. Dự án do Công ty TNHH Lương Gia thi công, hoàn thành đầu tháng 8/2023.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 8, khu vực mái taluy trường học bị sạt lở nên hiện các cháu vẫn phải tạm học ở trường cũ. Sau khi khu vực taluy trường học bị sạt lở, các cơ quan chức năng của huyện Văn Chấn đã đến kiểm tra, làm rõ nguyên nhân. Qua đó, xác định địa điểm xây dựng trường học có địa chất yếu, toàn bộ khu vực nằm trong cung trượt dài không đảm bảo an toàn.
Vị lãnh đạo xã Sùng Đô khẳng định, không chỉ khu vực Trường Mầm non Sùng Đô, toàn bộ khu vực xã đều nằm trong cung trượt có nguy cơ sạt lở kéo dài, đặc biệt do kết cấu địa chất đất không gắn kết, khi san hạ taluy rất dễ gây ra sạt lở.
Liên quan vấn đề này, ông Lương Toàn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Lương Gia (đơn vị thi công trường Mầm non Sùng Đô), nói: “Việc thi công đảm bảo theo đúng thiết kế, dự án sau khi hoàn thiện, đơn vị đã bàn giao cho phía nhà trường.
Nhưng vừa qua mái taluy sạt, nên chưa đưa vào sử dụng”. Về tình trạng các vết nứt trên dầm, cột, ông Thắng cho rằng, những vết nứt là do thời tiết, không phải do chất lượng công trình. Khi làm kè, đơn vị sẽ làm cho thẳng, chỉnh trang lại theo đúng khe lún.
Thông tin đến báo Tiền Phong, ông Mai Mộng Tuân, Bí thư huyện ủy Văn Chấn, cho biết, về việc sạt lở trường Mầm non Sùng Đô, huyện đã có phương án kè và đã được phê duyệt, bổ sung kinh phí hơn 3 tỷ đồng để xử lý khu vực taluy bị sạt lở.