Trần Mai Ninh hẳn phải yêu Phú Yên, hiểu Phú Yên lắm khi viết những dòng trong bài “Nhớ máu”. Ơ cái gió Tuy Hoà/ Cái gió chuyên cần/ Và phóng túng/ Gió đi ngang, đi dọc/ Gió trẻ lại - lưng chừng/ Gió nghỉ/ Gió cười, gió reo lên lồng lộng. Giống tiếng “nẫu”, gió là một thứ đặc sản ở Phú Yên. Có cái nóng, cái lạnh, khi dữ dội khi tha thiết, như chứa đựng cả cái chăm chỉ, cái hào sảng, cái thâm trầm, kiên cường của “xứ nẫu”.
Buổi sáng sớm yên bình ở Quảng trường Nghinh Phong. Ảnh: Như Ý |
Phải nói rằng người Phú Yên rất biết cách khoe đặc sản của mình. Trên bờ biển Tuy Hòa, nơi giao cắt giữa đại lộ Nguyễn Hữu Thọ và đường Độc Lập, họ dựng lên tháp Nghinh Phong, tức đón gió. Và ở đó, đứng giữa hai tòa tháp khổng lồ tôi đã nghe những bản nhạc gió thổi về từ đại dương xa xăm. Gió nhẹ nhàng đi vào trong từng hơi thở, thấm đẫm da thịt và tưới mát tâm hồn, khơi dậy cảm hứng.
Tháp Nghinh Phong khởi công ngày 6/3/2020, hoàn thành ngày 30/1/2021. Tháp là công trình kiến trúc có tính nghệ thuật cao, tổng hợp của nghệ thuật hội họa, âm thanh, màu sắc, sắp đặt, kiến trúc tạo hình, đồng thời hàm chứa lịch sử, văn hóa dân tộc và mang âm hưởng đất - người Phú Yên.
Có lẽ chính nhờ những làn gió này, trong khoảnh khắc khuấy động sự bùng nổ, người Phú Yên đã tạo nên công trình kiến trúc hùng vỹ và đỉnh cao sáng tạo này. Đứng trên Quảng trường rộng hơn 7.000m2 hình bán nguyệt lát đá granite rồi ngắm nhìn hai tòa tháp đôi, không gì khác ngoài sự thán phục. Không dừng ở đó, mỗi chi tiết tạo nên tòa tháp đều mang ý nghĩa sâu xa, để đây không chỉ là công trình kiến trúc thông thường.
Khá thú vị khi ở dưới tháp Nghinh Phong, mọi người dân Phú Yên đều thành hướng dẫn viên du lịch. Khi thấy tôi đang loay hoay với chiếc điện thoại để “tự sướng”, anh Bảy ở phường Phú Lâm vẫn thường ra đây hóng gió, khẽ cười, sau đó giúp tôi chụp những tấm hình thật đẹp với Nghinh Phong. Biết tôi lần đầu vào, anh hồ hởi giới thiệu về tòa tháp với giọng tự hào không cần che giấu.
“Chú dòm (nhìn) kìa, cái tòa cao ngồng nhứt ấy tượng trưng cho Lạc Long Quân, đứng kế là Âu Cơ, đúng chớ”, anh vừa nói vừa trỏ, “Dưới mỗi tháp là 50 cột đá, chính là 50 người con, dẫy á (vậy đó)”. Rồi anh Bảy ngưng, nhìn sang như thể chờ một tiếng trầm trồ từ tôi, sau mới tiếp: “Mà mấy phiến đá chú dòm thấy giống gì không? Gành Đá Dĩa (Ghềnh Đá Đĩa) đó. Dõ (rõ) không?”.
Tháp Nghinh Phong là điểm đến yêu thích của người dân Phú Yên và du khách. Ảnh: Như Ý |
Đến đây thì tôi kinh ngạc thực sự. Từ lên ý tưởng đến thiết kế và xây dựng, sự kết hợp giữa Ghềnh Đá Đĩa với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, tất cả thật tuyệt diệu. Hài lòng với vẻ mặt đầy sự tán thưởng của tôi, anh Bảy hài lòng hết sức. Đoạn, anh đẩy tôi vào khe giữa hai tháp. Có vẻ anh muốn tôi tự khám phá, và đứng ngoài, tận hưởng cảm giác vừa khiến một người bị mê hoặc.
Theo giọng Phú Ơn (Yên), tôi phải thốt lên “chu cha (trời ơi)”. Hai bức vách đối diện nhau là hai bức phù điêu liên hoàn, tóm lược toàn bộ lịch sử mảnh đất Phú Yên. Từ sự kiện vua Lê Thánh Tông đề thơ trên núi Thạch Bi tới lúc Lương Văn Chánh khai phá mảnh đất Phú Yên, từ ngư dân ven biển tới đồng bào Chăm, Ê Đê, từ đàn đá đến cá ngừ đại dương, rồi Ghềnh Đá Đĩa, hải đăng Mũi Điện với câu chuyện về những chuyến tàu không số cập bến Vũng Rô, và kia là đua thuyền, kia là cầu ngư, là dệt chiếu cói, bắt cá ngừ… tất cả được tái hiện sống động, khái quát cả chiều dài 400 năm lịch sử hình thành và phát triển đáng tự hào của “xứ nẫu”.
Phù điêu khổng lồ ở hai mặt trong của tháp Nghinh Phong. Ảnh: Như Ý |
“Tối chú quay lại mới lộng lẫy”, anh Bảy nói. Quả đúng vậy. Khi đêm xuống, tháp trở nên lung linh huyền ảo nhờ hệ thống chiếu sáng, kết hợp công nghệ Bobine Tesia, 3D mapping và laze cường độ cao. Nghinh Phong không chỉ truyền tải thông điệp quá khứ mà còn mang hơi thở đương đại, đại diện cho con người Phú Yên mới sẵn sàng kiến tạo tương lai.
Cách đây không lâu, HĐND tỉnh Phú Yên ra Nghị quyết thông qua quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của Phú Yên, là nền tảng để tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững vào năm 2030.
Cùng thời gian, Phú Yên đứng thứ 10 cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023. Khi tin vui đến, nó thường đến dồn dập. Báo Star của Malaysia bình chọn xứ “hoa vàng trên cỏ xanh” dẫn đầu danh sách các điểm đến Đông Nam Á tuyệt đẹp năm 2024, trong khi tháp Nghinh Phong đoạt liền 2 giải thưởng quốc tế, một là Công trình du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2023 tại lễ trao giải World Travel Awards, hai là giải thưởng Cảnh quan đô thị châu Á năm 2023 (ATA).
Trong công cuộc hướng tới tương lai, tháp Nghinh Phong trở thành biểu tượng cho khát vọng vươn lên của Phú Yên. Xác định “lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá”, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương từng chia sẻ: “Phú Yên chào mời và mong đón các doanh nghiệp đến và chung tay xây dựng và phát triển tỉnh Phú Yên bền vững”…
… Gió vẫn tiếp tục thổi ở Nghinh Phong. Sáng hôm sau ghé đến, tôi lại có một trải nghiệm mới. Không gặp anh Bảy, “hướng dẫn viên” dễ thương, nhưng tôi gặp vô vàn những “hướng dẫn viên” khác, giới thiệu về cuộc sống và con người Phú Yên. Đó là những thanh niên đang chạy trên đường Độc Lập, nhóm bạn trẻ trượt patin trên Quảng trường, các cô tập aerobic và rất nhiều người khác đang vui đùa cùng ngọn sóng. Lại có cả một gia đình nhỏ, trải tấm nylon trên trảng cát và trao cho nhau cái nhìn âu yếm. Một khung cảnh thật yên bình, và ấm áp.
Có một chút ghen tỵ bỗng len lỏi trong tôi. Trong cuộc sống ngày một vội vã và mức độ đô thị hóa quá nhanh khiến mọi thứ trở nên ngột ngạt, đôi khi chúng ta cần gió thổi qua cuộc đời, để nó cuốn đi sự mệt mỏi và lớp sương mù ảm đạm. Ở Phú Yên, dưới chân tháp Nghinh Phong lại có thừa thứ đó.
Như Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương nói, “thật may mắn và hạnh phúc khi được sống trong một vùng đất bình yên, có núi rừng hùng vĩ, ruộng đồng bát ngát, biển cả mênh mông và cả truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế hệ”. Cộng thêm khí chất, ý chí và khát vọng vươn lên, ngày mảnh đất An - Hòa này hiện thực hóa ước mơ chắc chắn không còn xa.
Rời Nghinh Phong khi không gian vẫn nhuộm màu vàng đậm của ánh bình minh, bước chân khua trên đường của người chạy bộ, người đi chợ, những ngư dân trở về sau đêm đánh cá làm bạn với gió trăng. Ở một nơi người dân tận hưởng và bắt đầu ngày mới từ sớm, nơi ấy rất có tương lai.
(Còn nữa)