Chiều 21/3, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo T.Ư làm việc với Thành ủy Hà Nội khảo sát việc triển khai, thực hiện Kết luận số 100-KL/TƯ của Ban Bí thư về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội tại thành phố Hà Nội.
Báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 100 của Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học cho biết, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TƯ, trên địa bàn thành phố Hà Nội có một số mô hình hay, cách làm hiệu quả. Cụ thể, Ban Tuyên giáo Thành ủy thành lập đội ngũ điều tra viên chuyên ngành xã hội học, ngành công tác xã hội… có kinh nghiệm điều tra tham gia khảo sát thực địa, phỏng vấn trực tiếp người dân và các đối tượng cần khảo sát, đảm bảo các cuộc điều tra khoa học, khách quan, hiệu quả.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV. |
Ban Tuyên giáo Thành ủy, một số ban tuyên giáo các quận, huyện, thị ủy tổ chức giao ban dư luận xã hội theo cụm, theo nhóm ngành nghề, thành lập các nhóm cộng tác viên trên mạng xã hội nhằm tăng cường thông tin định hướng và tiếp nhận thông tin phản ánh. Thành phố cũng xây dựng và khai thác phần mềm quản lý thông tin thu thập được và phân tích ý kiến xã hội trước những sự kiện, công tác quản lý, điều hành; triển khai kênh nắm bắt dư luận xã hội thông qua link truy cập và quét mã QR; thành lập Hội đồng tư vấn tổng hợp và phân tích dư luận xã hội; xây dựng mô hình “Vùng xanh” trên không gian mạng...
Để đảm bảo khách quan, khoa học trước một số nội dung sơ kết, tổng kết, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát, thăm dò dư luận để có số liệu cụ thể. Thành ủy giao Ban Tuyên giáo Thành ủy là cơ quan thường trực quản lý, tổ chức, theo dõi, xây dựng mạng lưới, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, đội ngũ này được chia làm hai cấp, gồm cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Lại Xuân Môn đánh giá, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã làm tốt công tác điều tra, nắm bắt tình hình dư luận xã hội với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.
Nhấn mạnh kết quả cuộc khảo sát là tài liệu quan trọng, làm cơ sở cho báo cáo tổng kết của Trung ương tới đây, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định tầm quan trọng của việc điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Thông qua dư luận xã hội sẽ giúp điều chỉnh các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước sao cho sát với người dân, sát với thực tiễn; điều chỉnh cả về phương thức lãnh đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp. Việc này cũng giúp nắm chắc tình hình tư tưởng, chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong các quyết sách; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch....
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, việc nắm bắt dư luận xã hội càng có ý nghĩa quan trọng nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền thành phố. Nhờ đó, thành phố hạn chế tối đa việc xảy ra các điểm nóng mất an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.
Để triển khai hiệu quả Kết luận số 100, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt coi trọng công tác dư luận xã hội. Các quận, huyện, thị ủy chủ động xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch, chuyên đề ở cấp mình nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội...