Đó là trường hợp của bé gái L.T.T (23 tháng tuổi, ngụ TPHCM) nhập viện trong tình trạng bị bỏng lửa rất nặng. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía người nhà ghi nhận, trước đó gia đình có tiệc cưới, sau khi kết thúc bữa tiệc bếp gas mini dùng để nấu đồ ăn được xếp vào góc nhà ở chân cầu thang.
Khi bé gái đang chơi gần nơi để bếp ga thì bất ngờ bình gas phát nổ và bốc cháy. Do T. còn quá nhỏ nên cháu không kịp thoát ra ngoài, khi được người thân ứng cứu thì bé đã bị bỏng nặng. Bệnh nhi được gia đình chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng vùng mặt, ngực, bụng, tay, chân.
Bệnh nhi được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố trong tình trạng bỏng nặng |
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định diện tích bỏng chiếm khoảng 44% toàn thân của trẻ. Bệnh nhi nhanh chóng được các bác sĩ truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc giảm đau và chăm sóc vết thương và chuyển đến điều trị tại khoa Hồi sức Ngoại.
Sau 2 tuần được chăm sóc, điều trị tích cực, bệnh nhi đã vượt qua được tình trạng sốc bỏng, sốc nhiễm trùng, các vết thương trên cơ thể đang dần bình phục.
Từ trường hợp trên, BS Minh Tiến khuyến cáo cộng đồng cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng các thiết bị dễ gây cháy nổ như bếp cồn, bếp gas mini. Những chiếc bếp và bình gas đã cũ thì không nên sử dụng. Để tránh tai nạn xảy ra cho trẻ nhỏ, người lớn không nên để các đồ dùng nóng, sôi, bàn ủi nóng, pô xe mới chạy về, chai lọ hóa chất, thuốc diệt chuột, côn trùng, thuốc uống điều trị, ổ điện ở gần hoặc trong tầm với của trẻ. Tuyệt đối không để trẻ nhỏ tiếp cận những nơi nguy hiểm có dụng cụ, vật liệu cháy nổ.