Hoa Đào rừng tạo sức hút du lịch cho huyện nghèo vùng cao Mù Cang Chải |
Trên cung đường quốc lộ 4D từ Sa Pa (Lào Cai) qua đèo Ô Quy Hồ sang địa phận Tam Đường (Lai Châu), khung cảnh núi rừng trùng điệp với những cây đào rừng bung nở khoe sắc thắm hút du khách.
Khi di chuyển trên đường, du khách có thể quan sát thấy những cây đào rừng rải rác hoặc chụm một chỗ hai bên quốc lộ 4D. Vươn tầm mắt ra những triền núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn, những cây đào rừng bung nở sắc hồng để lại ấn tượng sâu sắc.
Đào rừng trên dãy Hoàng Liên Sơn mọc tự nhiên và vươn mình trong sương gió năm này qua năm khác. Trong việc bảo tồn rừng quốc gia Hoàng Liên, những cây đào rừng này cũng được “chăm sóc” đặc biệt để duy trì vẻ đẹp của loài cây này mỗi khi mùa xuân về.
Cùng với những cây đào rừng trên đèo Ô Quy Hồ, lên Mù Cang Chải (Yên Bái) những ngày này, đâu đâu du khách cũng bắt gặp sắc hồng rực rỡ của hoa Tớ dày (đào rừng).
Đồng bào Mông ở Mù Cang Chải thường gọi “Hoa đào rừng” là “Pằng Tớ Dày”. Thời điểm hoa nở rộ nhất, đẹp nhất vào khoảng giữa tháng 12 đến hết tháng 1 Dương lịch hằng năm.
Theo các cụ già người Mông, không biết loài cây này có từ bao giờ, gốc gác từ đâu, chỉ biết khi người Mông sinh ra và lớn lên, họ đã thấy sắc đỏ, hồng phai của nó hiện hữu trên con đường đi lên nương, lên rừng lấy mật ong, hái củi vào mỗi độ giáp Tết.
Hoa đào rừng được coi là biểu tượng cho tâm hồn, phong cách sống của cộng đồng dân tộc Mông và của núi rừng Tây Bắc. Hoa đào rừng nở báo hiệu mùa xuân sớm. Hoa nở vào đúng dịp Tết, nhuộm thắm cả sườn đồi. Không chỉ trên những triền núi, trong sân vườn, hiên nhà cũng rực rỡ sắc đào rừng cổ thụ.
Tại Mù Cang Chải, hoa đào rừng phân bố tự nhiên và mọc nhiều ở một số địa bàn như Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xù Phình, Khao Mang, Lao Chải, dọc theo suối Nậm Kim… Tuy nhiên, nhiều và đẹp nhất phải kể đến La Pán Tẩn.
Giờ đây, loài hoa này trở thành điểm nhấn du lịch của huyện vùng cao Mù Cang Chải mỗi khi Tết đến, Xuân về và đang được địa phương nhân rộng trong cộng đồng.
Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải chia sẻ, huyện đang có nhiều chương trình quyết liệt bảo vệ những rừng hoa đào rừng tự nhiên và vận động nhân dân trồng mới. Trong đó, phải kể đến cuộc vận động mỗi cán bộ, đảng viên trồng từ 2 - 5 cây hoa đào rừng; mỗi trường học, đơn vị công sở trồng 30 cây; các xã, thị trấn trồng tại trụ sở, hai bên đường đi...
Việc trồng và bảo vệ loài hoa này vừa để ngăn chặn tình trạng chặt hoa đào rừng về nhà đồng thời giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, xây dựng hình ảnh huyện du lịch Mù Cang Chải.
Đến nay, huyện Mù Cang Chải đã 2 lần tổ chức Lễ hội hoa Tớ Dày và nghệ thuật biểu diễn khèn Mông, nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải của người Mông Tây Bắc. Trong thời gian tới, ngoài việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, huyện cũng nhân rộng diện tích trồng hoa Đào rừng để tạo cảnh quan thiên nhiên nhằm thu hút khách du lịch.