Vàng miếng SJC 'đứng im', vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố can thiệp vào thị trường nếu giá vàng SJC tăng cao, lập tức giá vàng miếng hạ nhiệt bất chấp giá vàng thế giới liên tục tăng. Trong khi đó, nhà đầu tư quay chuyển hướng dần sang vàng nhẫn bởi giá thấp hơn vàng miếng và tương đương với giá vàng thế giới.

Hết cơ hội lướt sóng

Nếu như những ngày cuối năm 2023, giá vàng miếng SJC liên tục tăng và lên đỉnh hơn 80 triệu đồng/lượng thì những ngày đầu năm 2024, giá vàng miếng gần như đứng im quanh mốc 76 triệu đồng/lượng. Sự hạ nhiệt này bởi động thái của Ngân hàng Nhà nước tuyên bố về việc sẽ can thiệp vào thị trường vàng nếu thị trường quá “nóng” và hàng loạt những thay đổi sắp tới liên quan đến vàng miếng SJC.

Vàng miếng SJC 'đứng im', vì sao? ảnh 1

Vàng miếng SJC đứng im bất chấp giá vàng thế giới liên tục biến động.

Bất chấp việc giá vàng thế giới những ngày gần đây tăng liên tiếp bởi những bất ổn liên quan đến các xung đột trên thế giới, vàng miếng SJC giữ nguyên giá. Thế nhưng, hiện các doanh nghiệp vàng đều nới rộng khoảng cách mua vào - bán ra vàng miếng lên hơn 2,5 triệu đồng/lượng nên người mua vàng vào thời điểm này hết cơ hội lướt sóng bởi vừa mua lỗ ngay hơn 2 triệu đồng/lượng.

Dư luận đang đặt vấn đề có cần thiết hay không duy trì sự độc quyền về vàng miếng SJC? Nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, bao gồm cả các nội dung về sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức… đồng thời rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức.

Hơn 10 năm nay, SJC vốn là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Thành ủy TP. HCM, đã phải chuyển giao toàn bộ máy móc dập, cán vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước quản lý. Cũng từ đó, chỉ khi có lệnh của Ngân hàng Nhà nước thì doanh nghiệp mới triển khai gia công trước sự giám sát của cán bộ chuyên trách Ngân hàng Nhà nước.

Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 24 đánh giá lại vàng miếng SJC và làm sao để người dân lựa chọn vàng khác thay vì chỉ tập trung vào vàng miếng.

Người dân quay sang vàng nhẫn

Nhiều nhà đầu tư bán vàng SJC quay sang mua vàng nhẫn. Theo đó, giá vàng nhẫn 3 hôm nay đều tiến sát mốc 65 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo nhà đầu tư Ngô Minh Phúc (Đống Đa, Hà Nội), việc bán vàng miếng SJC vì sợ giá tiếp tục xuống nếu Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Nghị định 24 liên quan đến quản lý thị trường vàng, trong đó có vàng miếng SJC. Hiện, dù giá vàng SJC đã hạ nhưng vẫn cao hơn vàng nhẫn hơn 12 triệu đồng/lượng. Vì vậy, anh Phúc chuyển sang mua vàng nhẫn chờ giá tăng để bán.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, người dân có xu hướng đầu tư, nắm giữ vàng nhẫn hơn vàng miếng SJC bởi dù hiện vàng SJC có giảm nhưng so với giá vàng thế giới vẫn cao hơn 15 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng nhẫn chỉ cao hơn vàng thế giới 1-2 triệu đồng/lượng và đang bám sát với đà tăng của vàng thế giới.

Theo ông Hùng, hiện giá vàng miếng SJC tăng giảm bất thường nên nhiều doanh nghiệp nới rộng chênh lệch mua vào, bán ra lên gần 3 triệu đồng/lượng, trong khi đó vàng nhẫn duy trì mức 1 triệu đồng/lượng.

Như vậy, so với vàng miếng, người dân giữ vàng nhẫn từ đầu năm 2023 đến nay lãi gần 10 triệu đồng/lượng, trong khi vàng miếng SJC chỉ lãi 7 triệu đồng/lượng. Hiện, người dân đang có xu hướng bán vàng miếng SJC để chuyển qua vàng nhẫn vì lo ngại Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp bất kỳ lúc nào. Thời gian qua, cơ quan quản lý đã có hàng loạt tuyên bố cứng rắn nên người nắm giữ vàng miếng SJC rất lo lắng.

Ngày 17/1, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC ở mức 74-76,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Vàng nhẫn SJC 62,95 - 64,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Trong khi đó, giá vàng thế giới vẫn duy trì trên mốc 2.025 USD/ounce.

MỚI - NÓNG