Bánh đồng xu phô mai từng rất “sốt” nhưng nay đã giảm nhiệt. ẢNH: U.P |
Nắm bắt khẩu vị khách hàng
Vài tháng trước, những món ẩm thực độc lạ như bánh đồng xu phô mai, trà chanh giã tay… nổi lên như một món mới lạ khiến người người, đặc biệt là giới trẻ xếp hàng mua. Các quầy bán hàng di động mọc lên như nấm bên lề đường.
Chỉ một đoạn đường ngắn chừng 500 mét trên đường An Dương Vương (phường 16, quận 8, TPHCM) bỗng chốc bị “bao vây” bởi những xe bán bánh đồng xu phô mai, bánh trứng lòng đào Emoji, trà chanh giã tay, trà mãng cầu, cà phê muối…
Nhanh tay nướng 3 chiếc bánh đồng xu phô mai tan chảy, kéo sợi nóng hổi cho khách, chị Thu Hương (30 tuổi) cho biết, trước đây chị đã bán gỏi đu đủ Thái Lan, bún đậu mắm tôm, trà chanh… nhưng khi thấy món bánh đồng xu có xuất xứ từ Hàn Quốc được giới trẻ ưa chuộng, chị đã gom tiền đầu tư máy móc, rồi lên mạng internet học cách làm bánh và ra đường khởi nghiệp.
“Làm món bánh này không khó, chỉ cần biết cách pha bột cho mềm, xốp, thêm nhiều phô mai tan chảy béo ngậy rồi nướng vàng là xong. Mỗi cái bánh có giá 25.000 đồng, trung bình tôi bán tầm 50 bánh/đêm. Cuối tuần bán được nhiều hơn, khoảng 70 - 100 cái, lợi nhuận khoảng 500.000 - 1 triệu đồng/ngày sau khi trừ chi phí”, chị Hương nói.
Đang bán các loại trà sữa trên đường Ngô Gia Tự (quận 10), nhưng khi thấy khách yêu thích món trà mãng cầu, chị Nguyễn Thị Lan Nhi (25 tuổi) đã lên mạng học cách pha chế rồi thêm món trà thần thánh này vào menu. Chỉ trong vòng 2 tháng, khách bắt đầu thích món trà chanh giã tay. Chị Nhi mua thêm đồ nghề để giã chanh cho khách. Thấy khách đến tấp nập, chị Nhi quyết làm ăn lớn bằng cách thuê mặt bằng, mướn nhân viên, đầu tư bàn ghế với chi phí lên đến gần 50 triệu đồng.
“Từ nhỏ tôi đã thích khởi nghiệp bằng cách buôn bán nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Tôi cho rằng khởi nghiệp cũng không khó như mình tưởng, chỉ cần nắm bắt đúng xu hướng, nhu cầu, sở thích của khách hàng là có thể một phát ăn ngay”, chị Nhi hào hứng nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Huy Hùng bỏ ra một số tiền không nhỏ để thuê mặt bằng ngay bên hông chợ Vườn Chuối (quận 3) để khởi nghiệp với ly cà phê muối. “Cách pha chế không khó lắm, làm vài lần là thành thạo, ra nghề. Tôi không chỉ có một điểm kinh doanh này mà còn đặt thêm 8 xe cà phê muối ở những tòa nhà văn phòng, công viên quận trung tâm, thuê sinh viên đứng bán. Chỉ cần mỗi xe bán được khoảng 1 triệu đồng/ngày thì lợi nhuận hàng tháng cũng không nhỏ” - anh Hùng nói.
Cần tạo ra sự khác biệt vượt trội
Sau gần một tháng “đu trend” kinh doanh bánh đồng xu tại khu ẩm thực trên đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh), chị Đỗ Thị Yên (35 tuổi) phải ngậm ngùi dẹp tiệm vì thu không đủ chi. Chị cho biết, chi phí đầu tư 2 máy nướng bánh ngót nghét 30 triệu đồng, chưa kể tiền thuê mặt bằng, nhân viên phụ việc.
“Lúc đầu khách nườm nượp xếp hàng chờ mua món bánh mà chỉ cần cắn một miếng sợi phô mai kéo cả nửa mét. Chúng tôi làm không kịp bán, ngày nào cũng bán 200 - 300 cái. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, khách đột ngột giảm dần. Hiện, có ngày bán chưa được 50 cái bánh. Không kham nổi nhiều chi phí phát sinh nên tôi đành tìm người nhượng quán”, chị Yên nói.
Trong khi đó, món trà chanh giã tay “thần thánh” cũng đang rơi rụng khách hàng từng ngày. “Trước mỗi ngày bán cả trăm ly, với giá 20.000 đồng/ly, thu lợi hơn chục triệu. Vậy nhưng thời gian gần đây, khách vắng thấy rõ. Có lẽ khách thấy món mới lạ nên mua thưởng thức thử trong thời gian đầu, sau đó thì không đến nữa”, chị Minh, kinh doanh ẩm thực tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10), nói.
Giới chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm (F&B) cho rằng, dù kinh doanh theo trend giúp người đầu tư nhanh chóng kiếm được nguồn tiền ngắn hạn nhưng lại tồn tại nhiều thách thức, thậm chí là nguy cơ phá sản nếu không có chiến lược bài bản. Trong đó, thách thức lớn nhất liên quan đến an toàn thực phẩm. Phần lớn người tham gia kinh doanh theo xu hướng thường không được đào tạo chuyên sâu về an toàn thực phẩm. Điều này khiến người tiêu dùng lúc đầu thì háo hức nhưng sau lại dễ thất vọng, thậm chí tẩy chay. Đây là nguyên nhân khiến mặt hàng có thể nay “làm mưa làm gió” nhưng mai đã nguội ngắt, không ai để ý.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập cà phê nông sản Meet More đã tiên phong đưa khoai môn, đậu xanh, dừa… vào cà phê và xuất khẩu ra thế giới. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Luận cho rằng, kinh doanh theo trend không hoàn toàn sai. Ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng “bắt trend” để cho ra sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu khách hàng.
“Xu hướng hay trào lưu là “mốt” tại thời điểm diễn ra, nhưng chúng hoàn toàn có thể bị thay thế bởi trào lưu khác. Người tiêu dùng nay thích món này nhưng ngày mai cũng có thể tò mò với sản phẩm khác. Để có thể kinh doanh theo trend thành công, đòi hỏi các bạn trẻ phải biết nắm bắt cơ hội, tạo ra sự khác biệt vượt trội, không ngừng đổi mới sáng tạo và đi đến cùng với sản phẩm đó” - ông Luận nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Bá Thường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và Văn hóa doanh nghiệp, mô hình kinh doanh theo trend trước đây đã hoạt động rồi nhưng gần đây thật sự bùng nổ trở lại. Điều này chứng tỏ giới trẻ bắt đầu có tư duy rất nhạy bén và nhanh chóng nắm bắt nhu cầu về hành vi tiêu dùng của khách hàng để kinh doanh.
Chuyên gia Lê Bá Thường cho rằng, việc kinh doanh theo trend của các bạn trẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do phải liên tục chạy theo xu hướng của xã hội và thị hiếu của người tiêu dùng nên sẽ bị ảnh hưởng nguồn lực về vốn và nhân sự, các bạn rất khó để duy trì lâu dài.
“Các bạn phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định đầu tư một khoảng vốn lớn để mua máy móc, trang thiết bị chỉ để kinh doanh các mặt hàng “đu trend”. Đồng thời, các bạn cần quan sát, nhạy bén trong việc chọn mặt hàng kinh doanh để tiêu thụ nhanh, kiếm lời mau và dễ chuyển hướng sang các mặt hàng khác khi cần thiết”, ông Thường khuyến cáo.