G7 ra tuyên bố chung về tình hình Dải Gaza

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau cuộc họp tại Tokyo ngày 8/11, các ngoại trưởng của G7 vừa ra tuyên bố chung để thể hiện quan điểm thống nhất về cuộc xung đột ở Trung Đông, trong đó lên án Hamas và ủng hộ quyền tự vệ của Israel, nhưng cũng kêu gọi “tạm dừng nhân đạo” để đẩy nhanh việc viện trợ cho dân thường.
G7 ra tuyên bố chung về tình hình Dải Gaza ảnh 1

Các Ngoại trưởng G7 trong cuộc họp tại Tokyo ngày 8/11. (Ảnh: Reuters)

Tuyên bố kêu gọi phải “hành động khẩn cấp” để giúp đỡ dân thường Palestine ở dải đất bị phong tỏa, khi họ đang thiếu thực phẩm, nước sạch, thuốc men và nơi ở.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp của Anh, Canada, Pháp, Đức, và Nhật và EU nhấn mạnh quan điểm “ủng hộ tạm dừng nhân đạo để tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, sơ tán dân thường và thả con tin”.

Tuyên bố cũng lên án tình trạng “gia tăng bạo lực của những người định cư cực đoan đối với người Palestine”, cho rằng đây là điều “không thể chấp nhận được, làm suy yếu an ninh ở Bờ Tây và đe dọa triển vọng hòa bình lâu dài”.

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa hoan nghênh tuyên bố chung, gọi đây là “thành tựu đáng kể” để G7 đóng một vai trò có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Bà Kamikawa nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Trung Đông đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản. “Trong kỳ họp của G7 lần này, chúng tôi đồng ý ngăn chặn nguy cơ xung đột leo thang hơn nữa, bằng cách phối hợp với các đối tác khu vực”, bà nói.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tổ chức một cuộc họp báo sau hội nghị cùng các ngoại trưởng G7 khác.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nêu ra những yêu cầu về ngoại giao để có thể bắt đầu con đường tiến tới “hòa bình và an ninh lâu dài”.

“Mỹ tin rằng những yếu tố chìa khóa sẽ không bao gồm việc sơ tán bắt buộc người Palestine khỏi Dải Gaza, không phải bây giờ, không phải sau xung đột. Không sử dụng Dải Gaza làm địa bàn cho chủ nghĩa khủng bố hay các cuộc tấn công bạo lực khác”, ông Blinken nói.

“Không có sự tái chiếm đóng Dải Gaza nào sau khi xung đột kết thúc. Không có nỗ lực nào để phong tỏa hay bao vây Dải Gaza. Không giảm bớt lãnh thổ của Dải Gaza. Chúng ta phải bảo đảm không có mối đe dọa khủng bố nào có thể xuất phát từ Bờ Tây”, Ngoại trưởng Mỹ nói với báo chí.

Ông nói thêm rằng hệ thống quản lý sau xung đột ở Dải Gaza phải lấy tiếng nói và nguyện vọng của người Palestine làm trung tâm và Dải Gaza thống nhất với Bờ Tây bị chiếm đóng dưới sự quản lý của Chính quyền Palestine.

Ông cho biết, Israel đã “nhiều lần nói với chúng tôi rằng sẽ không quay lại giai đoạn trước ngày 6/10, trước khi Hamas tấn công. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Chúng tôi đang làm việc với Israel để bảo đảm điều này, chúng tôi cũng làm việc với khu vực để ngăn chặn những mối đe dọa rộng hơn nhằm vào các đối tác và bạn bè của chúng tôi”, ông cho biết.

“Như Tổng thống Biden đã nói với bất kỳ ai tìm cách lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza và mở rộng xung đột sang nơi khác: chớ làm như vậy”, ông tuyên bố.

Sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng Israel có thể quản lý an ninh của Dải Gaza trong một “giai đoạn không thời hạn”, ông Blinken tuyên bố “điều rõ ràng là Israel không thể chiếm đóng Dải Gaza” sau xung đột.

“Giờ đây, thực tế là có thể cần một giai đoạn chuyển tiếp sau khi kết thúc xung đột, nhưng điều cấp thiết là người dân Palestine sẽ đóng vai trò trung tâm trong quản trị ở Dải Gaza và cả Bờ Tây. Một lần nữa, chúng tôi không thấy sự tái chiếm đóng. Điều chúng tôi nghe từ các lãnh đạo Israel là họ không có ý định tái chiếm Dải Gaza”, ông Blinken nói.

Theo Japan Times, Reuters
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.