Trắng đêm chạy lũ
Chiều 30/10, anh Nguyễn Quang Tài (SN 1989, trú tại thôn Hương Thượng, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vượt chặng đường hơn 60km từ thành phố Hà Tĩnh về nhà để cùng gia đình dọn đồ chạy lũ.
Theo anh Tài, năm nay nước lũ lên quá nhanh nên nhiều gia đình trở tay không kịp. Còn gia đình anh kinh nghiệm khi nước bắt đầu vào sân là thu dọn, kê cao tài sản như thực phẩm, đồ điện, gia súc.
“18h điện mất, khi đó mọi người phải dùng đèn pin để dọn đồ đạc và sinh hoạt. Dọn đồ rất mệt, vì phải chạy đua với nước lũ, nếu lỡ chậm chân thì sợ hư hỏng tài sản”, anh Tài chia sẻ. Theo anh, mưa lớn kéo dài cùng với Nhà máy Thuỷ điện Hố Hô xả lũ nên nước lũ lên nhanh.
Dù hiện tại đỉnh lũ không lớn như các trận lũ lịch sử vào năm 2016 hay năm 2020 nhưng cũng không thể không đề phòng. “Mỗi đợt lũ, hầu như người dân thức trắng để ứng phó. Cứ thấy mưa lớn là nóng hết ruột”, anh Tài ngậm ngùi.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung triển khai nhiều phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là các tình huống mưa lớn cực đoan, gây ngập lụt trên diện rộng.
Càng về đêm, mưa càng lớn, từng dòng nước cuồn cuộn như thác đổ thẳng vào vườn. Nước lên nhanh, chị Nguyễn Thị Thanh (trú xã Hương Đô, huyện Hương Khê) bàn với chồng đưa trâu, bò lên đường cao để tránh lũ.
“Dân vùng lũ quen sống cảnh này rồi, nhưng mỗi lần nước vào đến sân là lo dọn dẹp đồ để tránh bị hư hỏng. Vì nhà nông, còn mỗi con trâu, lương thực, đồ điện trong nhà là giá trị, nên phải giữ, không nước lũ lên nhanh chạy không kịp”, chị Thanh nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đảng uỷ xã Hương Đô, huyện Hương Khê cho biết, mưa lớn đã khiến nhiều cây cầu, tuyến đường bị ngập, gây chia cắt toàn bộ xã. Trong đó có điểm trường mầm non bị ngập 80cm, trường tiểu học 60cm.
Ngoài ra, nước lũ ngập vào nhà của 750 hộ dân, gây sạt lở tại dọc bờ sông Ngàn Sâu… “Năm nay nước lũ lên nhanh, trụ sở UBND xã, trụ sở công an ngập hơn 1,5m. Cũng may trong đêm nhân dân chủ động kê cao tài sản trước nên không gây thiệt hại lớn về người và tài sản”, ông Anh cho biết.
Nhiều nhà dân ở huyện Hương Khê bị ngập sâu |
Hàng ngàn hộ dân bị cô lập
Hương Khê là tâm mưa trong đợt mưa lũ lần này, đã có điểm ghi nhận lượng mưa lên đến trên 500mm. Chiều 31/10, Hương Khê vẫn mưa lớn, mực nước sông Ngàn Sâu vẫn còn cao. Nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống ở các xã Phúc Trạch, Lộc Yên, Hương Lâm, Hương Liên, Hương Đô, Hương Thủy, Hương Giang, Hương Bình, Hà Linh, Điền Mỹ... vẫn đang ngập sâu. Hàng ngàn hộ dân vẫn đang bị cô lập do chia cắt đường.
Theo báo cáo của UBND huyện Hương Khê, mưa lớn khiến lũ các sông dâng cao, làm 5.494 hộ dân bị nước vào vườn, gần 1.000 hộ bị nước vào nhà, sâu nhất hơn 1m. Mưa lũ cũng khiến 8 trường học, nhiều hội quán thôn, bưu điện ngập nước; một số công trình hồ đập, bờ sông bị sạt lở. Đợt mưa lũ đã làm 3 người chết và mất tích.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, sáng 31/10, huyện Hương Khê chủ động cho 54 trường học với 22.525 học sinh nghỉ học. Tại huyện Vũ Quang, có hàng chục kilomet đường giao thông thôn, xóm bị ngập cục bộ; toàn huyện có 505 hộ dân ở các xã Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Giang, Hương Minh... bị cô lập.
Ngoài ra, nhiều nhà văn hóa thôn, đường giao thông bị ngập, sạt lở. Riêng tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua xã Đức Liên bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 100m.
Liên quan vụ sạt lở đường sắt, ông Trần Văn Kế, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Nghệ Tĩnh, cho biết đơn vị đã huy động hơn 100 cán bộ, công nhân cùng khắc phục.
Dự kiến ngày 31/10 hoàn thiện và thông tuyến. “Hơn 100 công nhân làm việc xuyên ngày lẫn đêm để khắc phục sự cố sạt lở. Vì khối lượng công việc khá lớn, đòi hỏi lao động nặng nên chúng tôi phân thành hai ca để làm nhằm đảo bảo sức khoẻ.
Dù điều kiện thi công gặp khó khăn, nhưng đơn vị cố gắng phấn đấu khắc phục xong trong ngày hôm nay”, ông Kế cho biết. Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại khá nặng nề đối với các công trình giao thông, thủy lợi, cây cối, hoa màu tại các huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh…