Xử lý khẩn cấp sạt lở ở Bến Tre, Quảng Trị

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 25/10, thông tin từ UBND tỉnh Bến Tre cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về hiện trạng sạt lở bờ sông Giao Hòa, đoạn thuộc xã Giao Long và xã An Hóa (Châu Thành).

Bến Tre sơ tán khẩn cấp người dân và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm

Khu vực bờ sông Giao Hòa đoạn qua địa bàn 2 xã Giao Long, An Hóa có tổng chiều dài khoảng 800m; trong đó, sạt lở làm mất một đoạn dài 45m tuyến đường cấp huyện dọc sông, phải dừng lưu thông các phương tiện giao thông nhằm đảm bảo an toàn.

Theo cơ quan chức năng địa phương, sạt lở đã gây hư hỏng một số đoạn kè và các công trình, cơ sở hạ tầng hiện có như cầu An Hóa, tuyến đường QL 57B. Khu vực bị sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hơn 300 hộ dân, trong đó có 26 hộ dân phải buộc di dời khẩn cấp.

Xử lý khẩn cấp sạt lở ở Bến Tre, Quảng Trị ảnh 1

Sạt lở bờ sông Giao Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu UBND huyện Châu Thành cho sơ tán khẩn cấp người dân và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm; bố trí người trực theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở tại các khu vực đang có nguy cơ cao.

UBND tỉnh Bến Tre cũng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh phối hợp chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan tổ chức lập phương án xử lý khẩn cấp sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Xử lý khẩn cấp sạt lở ở Bến Tre, Quảng Trị ảnh 2

Ngành chức năng kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông Giao Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Năm 2023, tỉnh Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bổ sung kinh phí 300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, kinh phí bố trí cho phòng chống sạt lở sông bờ sông Giao Hòa khoảng 100 tỷ đồng; dự án sạt lở bờ biển khu vực Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận, H.Ba Tri) khoảng 200 tỷ đồng.

Trong khoảng thời gian 10 năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ,... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh nhất là đối với các huyện ven biển. Theo thống kê, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134 km.

Theo đánh giá của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, do thủy điện trên thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy và giảm khối lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long (còn khoảng 25 -35% so với trước đây) dẫn đến xói lở gia tăng do thiếu hụt lượng bùn cát trong lòng dẫn. Cùng với đó, việc xây dựng nhà và công trình lấn sông rạch làm tải trọng ven bờ sông tăng lên, đất bờ sông yếu không chịu được tải trọng lớn gây sạt lở bờ; sóng do gió, do giao thông thủy gây xói lở bờ sông. Ngoài ra, khai thác cát gây mất cân bằng bùn cát cũng là một trong những nguyên nhân gây xói lở bờ sông.

Theo Sở NN-PTNT Bến Tre, hiện tại, số điểm sạt lở bờ sông, bờ biển ít phát sinh mới, tuy nhiên mức độ sạt lở có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, sạt lở sâu hơn vào trong đất liền, chiều dài sạt lở tăng. Những khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sạt lở như bờ biển huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; khu vực cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại; cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách; cồn Thành Long, huyện Mỏ Cày Nam; khu vực ven các sông lớn.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn khoảng 13km bờ sông và 8,5km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng cần được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện trên 1.000 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Bến Tre có 65 km bờ biển và 4 con sông chính là sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên với tổng chiều dài khoảng 300km. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre còn có 46 kênh rạch chính nối các sông lớn thành một mạng lưới chằng chịt, tổng chiều dài hơn 2.367 km. Với đặc điểm địa hình, tỉnh Bến Tre thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai như: xâm nhập mặn; triều cường; sạt lở bờ sông, bờ biển, bão, áp thấp nhiệt đới, dông lốc;... Đặc biệt, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trong những năm qua có xu hướng ngày càng phức tạp, nguy hiểm hơn.

Quảng Trị khẩn trương khắc phục sạt lở đường tuần tra biên giới Sa Trầm-Pa Lin

Chiều tối 25/10, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi thông tin, địa phương phối hợp các lực lượng và người dân khẩn trương khắc phục tạm thời đoạn bị sạt lở, cuốn trôi do mưa lớn trên đường tuần tra biên giới Sa Trầm-Pa Lin, thuộc địa bàn thôn Ra Poong, xã Ba Nang.

Xử lý khẩn cấp sạt lở ở Bến Tre, Quảng Trị ảnh 3

Đoạn đường tuần tra biên giới Sa Trầm-Pa Lin qua thôn Ra Poong, xã Ba Nang bị sạt lở, cuốn trôi do mưa lớn.

Trước đó, ngày 24/10, trên địa bàn huyện Đakrông có mưa lớn làm đường tuần tra biên giới Sa Trầm-Pa Lin đoạn qua thôn Ra Poong (đoạn Km6 tính từ Đồn Biên phòng Ba Nang đến điểm sạt lở thôn Ra Poong) bị sạt lở, cuốn trôi mặt đường và nền đường khoảng 10m, sâu 5m.

Mưa lớn khiến nước dồn về nhanh và mạnh làm hệ thống cống thoát bị tắc dẫn đến một đoạn đường trên tuyến bị sạt lở, cuốn trôi, ảnh hưởng đến công tác tuần tra biên giới của các lực lượng chức năng. Đồng thời, gây chia cắt một số khu vực dân cư thuộc xã Tà Long và Ba Nang.

Xử lý khẩn cấp sạt lở ở Bến Tre, Quảng Trị ảnh 4

Người dân và lực lượng chức năng dùng vật liệu có sẵn khắc phục để lưu thông tạm thời qua vị trí bị xói lở trên đường tuần tra biên giới Sa Trầm-Pa Lin.

“Để đảm bảo lưu thông, ngay trong sáng nay, người dân địa phương và các lực lượng chức năng đã sử dụng một số vật liệu có sẵn sửa chữa tạm thời đoạn đường trên. Đồng thời, huyện cũng đã giao các đơn vị liên quan vào hiện trường kiểm tra, lên phương án khắc phục đoạn đường này trong thời gian sớm nhất”, ông Lê Đại Lợi nói.

MỚI - NÓNG