Chiều 24/5, UBND TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND của HĐND TPHCM quy định về xử lý các cơ sở trên địa bàn thành phố không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PC&CC số 27/2001/QH10 có hiệu lực.
Không “gỡ” được tồn đọng vì quá cứng nhắc
Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh - Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC, cứu nạn cứu hộ (C07) cho biết, qua theo dõi, khảo sát tại các địa phương, hiện nổi lên hai vấn đề.
Một là, việc khảo sát, đánh giá và xác lập số cơ sở, số địa phương làm không kỹ nên dẫn đến việc phát sinh liên tục, có cả phát sinh lợi ích.
Hai là, nghị quyết ban hành rất sát với tiêu chuẩn, quy chuẩn dẫn đến không thể tháo gỡ được. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, việc này Quốc hội đã cho phép HĐND có quyền tháo gỡ tùy theo đặc thù địa phương mình ứng với việc giảm bớt tiêu chí theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Tuy nhiên, một số địa phương đã làm cứng nhắc nên không “gỡ” được.
Từ những hạn chế qua quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, Cục trưởng C07 đề nghị Công an TPHCM cần chỉ đạo tiếp tục khảo sát lại để có con số chính xác các cơ sở nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng.
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu và tham mưu HĐND thành phố sửa đổi nghị quyết để tháo gỡ hiệu quả hơn nữa cho các doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo yêu cầu PCCC, dựa trên cơ sở hướng dẫn của đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Xây dựng.
Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Ngô Tùng |
Lãnh đạo C07 cũng cho rằng, việc sửa đổi được nghị quyết sẽ là giải pháp tối ưu để có thể tháo gỡ được cho những doanh nghiệp không thể khắc phục được theo những yêu cầu của nghị quyết hiện hành. “Nếu thành phố xây dựng nghị quyết mới, để tránh bớt những phiền hà về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong quá trình thẩm duyệt, nghiệm thu yêu cầu PCCC, thành phố có thể tính toán rà soát, phân loại cơ sở theo từng nhóm và có giải pháp kỹ thuật theo từng nhóm tương ứng”, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh gợi ý.
Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan của thành phố quan tâm tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ kiểm tra, lực lượng PCCC để hướng dẫn một cách thống nhất, chuẩn xác các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC cho các cơ sở; thiết lập, phát huy mô hình tổ liên gia PCCC.
Dự báo cháy nổ diễn biến phức tạp
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu, sau 5 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 23 đã mang lại một số chuyển biến tích cực: Ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với công tác đảm bảo an toàn PC&CC trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cơ sở đã được nâng cao; nhiều vụ việc được người dân kịp thời phát hiện, xử lý nhằm chủ động phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ, thiệt hại về người, tài sản do cháy, nổ gây ra.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Ngô Minh Châu cũng nhìn nhận một số đối tượng cơ sở thuộc sở hữu của Nhà nước (như trường học, bệnh viện, bảo tàng, chợ, chung cư) chưa thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết 23 do hoạt động phụ thuộc vào nguồn kinh phí Nhà nước. Do đó, để thực hiện việc cải tạo, sửa chữa thì phải xin chủ trương và nguồn kinh phí từ cấp thẩm quyền, dẫn đến thời gian khắc phục những nội dung không đảm bảo.
Đặc biệt, nhiều cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 23 nhưng được xây dựng không có giấy phép, sai phép, không phù hợp quy hoạch hoặc không đảm bảo về môi trường chưa được phối hợp giải quyết toàn diện, dứt điểm.
Ông Châu nhận định, trong thời gian tới, tình hình kinh tế, xã hội thành phố tiếp tục phát triển, các khu đô thị, khu dân cư, nhà siêu cao tầng và các công trình ngầm tiếp tục được xây mới, cùng đó tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố dự báo sẽ diễn biến phức tạp.
Với tình hình trên, lãnh đạo thành phố yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, địa phương nghiên cứu, thực hiện các giải pháp thực hiện tiếp theo theo tinh thần nghị quyết đã ban hành; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành các quy định đặc thù trong công tác PCCC trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu (giữa) trao Bằng khen UBND thành phố tuyên dương các cá nhân tiêu biểu trong triển khai thực hiện Nghị quyết 23. Ảnh: Ngô Tùng |
Báo cáo tại hội nghị, Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC07) cho biết, toàn thành phố có 1.174 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 23.
Kể từ khi ban hành nghị quyết, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 6 vụ cháy đối với các cơ sở trên tổng số 1.174 cơ sở (chiếm tỷ lệ 0,51%). Các vụ cháy trên đều là các vụ cháy nhỏ, do lực lượng tại chỗ xử lý được. Tổng số cơ sở đã thực hiện các giải pháp theo yêu cầu của Nghị quyết 23 là 401, số cơ sở chưa thực hiện là 773. Lực lượng PCCC đã kiểm tra với tất cả các cơ sở trên, lập 2.256 biên bản; xử phạt hành chính 187 cơ sở với số tiền là hơn 440 triệu đồng.