Trước sự phát triển của khoa học công nghệ mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng khiến trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin độc, hại, không phù hợp với lứa tuổi ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe tâm thần của các em, các đại biểu đưa ra các phương hướng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.
Nhiều đại biểu tham gia ý kiến về vấn đề này tại Diễn đàn “Công tác xây dựng Đội vững mạnh - Vì đàn em thân yêu” trong khuôn khổ chương trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Bí thư Chi Đoàn cơ sở Viễn thông Đồng Nai |
Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Bí thư Chi Đoàn cơ sở Viễn thông Đồng Nai cho rằng, để trẻ em tiếp cận những điều hay qua không gian mạng là tốt nhưng cần xây dựng cách tiếp cận phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe. Đơn cử như việc phát triển youtube nhưng trên nền tảng này chưa có lá chắn đề ngăn chặn độc hại. "Tại sao không dựa vào đó làm các clip bài học, dạy các kỹ năng nghe, lồng các câu chuyện lịch sử để tuyên truyền, phát thanh. Từ đó hình thành thói quen nghe, đọc khơi dậy lòng yêu mến, tự tôn dân tộc”, chị Nga phát biểu.
Đại biểu Phan Nguyễn Thùy Trang, Bí thư Đoàn thanh niên Công ty CP may Bình Minh (TPHCM) cho rằng, trước thực trạng sử dụng công nghệ, smartphone, youtube… cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí các sản phẩm sử dụng cho thiếu nhi Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ đánh giá đúng, phù hợp với hành vi sử dụng của các em.
Chị Đinh Thị Hoàn, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Bình |
Tại diễn đàn, vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước được nhiều đại biểu nêu ý kiến. Chị Đinh Thị Hoàn, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Bình cho biết, vấn đề đuối nước ở trẻ đã được nhiều cấp ngành quan tâm, có nhiều đề án. Nhưng khi triển khai gặp nhiều khó khăn như lực lượng hỗ trợ, dạy bơi trên địa bàn dân cư rất khó khăn, bởi quy định cán bộ đứng lớp, phải được cấp chứng chỉ. Hay việc tập huấn, trang bị cho cán bộ chưa được thực hiện. Tổ chức, đưa vào chương trình học còn hạn chế.
Anh Thái Minh Sỹ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Nghệ An |
Anh Thái Minh Sỹ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Nghệ An, cho hay, nhiều tỉnh thành có cách làm để phòng chống đuối nước như gắn biển, tổ chức giải bơi nhưng chỉ mang tính chất ngắn hạn. Chúng ta cần có giải pháp phối kết hợp ngành giáo dục xây dựng chính sách, phổ biến học bơi, dạy bơi, bố trí trang thiết bị hoặc xây dựng bể bơi trong các nhà trường. Ngoài tuyên truyền phổ biến giáo dục trong nhà trường, cần có nhiều cách thức, phối hợp các ngành liên quan có giải pháp tuyên truyền phòng chống đuối nước cho trẻ em đến các bậc phụ huynh. “Tại tỉnh Nghệ An đã triển khai xã hội hóa xây dựng bể bơi cũng khá hiệu quả. Còn việc giao kinh phí ngành văn hóa xây dựng nhưng chưa phát huy được hiệu quả”, anh Sỹ phát biểu.
Chị Trần Thu Hà, Phó Bí thư Thành Đoàn TPHCM, nêu ý kiến: Tại nhiều địa phương, nhà thiếu nhi, cung thiếu nhi tỉnh, huyện thực hiện chức năng giáo dục ngoài nhà trường nhưng tại nhiều nơi lại bị sắp xếp, sáp nhập. Đặc biệt, hoạt động tại nhà thiếu nhi khó khăn cả về cơ chế, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ để khai thác, hoạt động còn hạn chế. Ở 30 tỉnh phía Bắc mới có 11 nhà thiếu nhi, trong khi ở 33 tỉnh thành phía Nam, con số đó là 15. Nếu chúng ta muốn dành những điều tốt nhất cho thiếu nhi thì mỗi địa phương cần xây dựng ít nhất một sân chơi cho thiếu nhi.
Chị Trần Thu Hà, Phó Bí thư Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh |
“Việc chăm chút cho thiếu nhi là rất cần thiết nên đề nghị các tỉnh thành quan tâm đầu tư, xây dựng thiết chế vận hành. Có thể có nhiều biện pháp khai thác hiệu quả nhà thiếu nhi để đầu tư cho các hoạt động của thiếu nhi”, chị Hà phát biểu.
Chị Quốc Thị Thanh Thảo, Bí thư Huyện Đoàn Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) |
Chị Quốc Thị Thanh Thảo, Bí thư Huyện Đoàn Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) cho biết, thực tế tại địa phương có nhà thiếu nhi được đầu tư xây dựng nhưng do không được bố trí ngân sách nên không duy trì được hoạt động. Sau đó, nhà thiếu nhi được chuyển sang trung tâm văn hóa để quản lý. Nay để đưa được nhà thiếu nhi để tổ chức Đoàn quản lý, xây dựng các hoạt động rất khó khăn vì tính pháp lý.