Lọc ảo song song với Bộ GD&ĐT là hai nhóm trường miền Bắc và miền Nam. Đối với nhóm lọc ảo miền Bắc, PGS. TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì nhóm, cho biết năm nay nhóm sẽ lọc ảo 11 lần.
Năm 2021, nhóm tiến hành lọc ảo 6 lần. Giải thích việc gia tăng gần gấp đôi số lần lọc ảo, PGS Trần Trung Kiên cho hay do các trường phải xét tuyển theo phương thức riêng, sau đó cập nhật danh sách lên hệ thống, rồi căn chỉnh để phù hợp với đề án… cần rất nhiều thời gian và nhiều khâu. Năm 2021 lọc ảo chỉ áp dụng cho phương thức xét tuyển theo điểm thi THPT.
Năm nay, nhóm lọc ảo miền Bắc có thêm 4 trường ĐH tham gia, nâng tổng số trường lên 58.
Điểm mới của Quy chế tuyển sinh ĐH 2022 là Bộ GD&ĐT quy định các thí sinh phải đăng ký nguyện vọng tất cả các phương thức xét tuyển lên Hệ thống tuyển sinh chung (trừ phương thức tuyển thẳng theo quy chế) để lọc ảo. Nhưng đây cũng khiến các trường gặp khó khăn khi xác định điểm chuẩn cũng như xử lý dữ liệu.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải cho hay trường đã nhận được cơ sở dữ liệu, về cơ bản thực hiện theo quy định. Từ 10/9 mới bắt đầu chạy phần mềm, cơ bản nhiều phương thức xét tuyển nên các trường cũng gặp khó. Một số thí sinh chưa nắm bắt được điểm mới của năm nay nên có thí sinh không trúng tuyển học bạ, nhưng vẫn đăng ký. Trường hợp các phương thức xét tuyển sớm nhưng có thí sinh đăng ký và trúng tuyển nhiều trường nhưng chưa chắc đăng ký nhập học vì có thể đi học nước ngoài hoặc không có nhu cầu nhập học.
Theo quy định, thời gian lọc ảo từ 10 – 15/9. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức lọc ảo 6 lần. Sau đó, các trường ĐH sẽ công bố điểm chuẩn cho thí sinh trước 17h00 ngày 17/9.
Theo ghi nhận, những ngày qua, nhiều thí sinh và phụ huynh liên hệ với bộ phận tuyển sinh của các trường ĐH, thậm chí đến tận trường thắc mắc và xin hỗ trợ nộp lệ phí xét tuyển.
Một phụ huynh ở TPHCM đã cùng con đến tận Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM để nhờ hỗ trợ vì chưa nộp lệ phí đăng ký xét tuyển trực tuyến. Lý do mà phụ huynh này đưa ra là do cả nhà không ai có tài khoản ngân hàng nên nhờ người quen nộp lệ phí xét tuyển giúp nhưng họ quên. Vị phụ huynh này cho hay con thi tốt nghiệp THPT đạt 23,5 điểm đối với tổ hợp A00 và đã đăng ký 8 nguyện vọng theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Thậm chí đến người nhà của giảng viên trường ĐH cũng không biết rõ thông tin đóng tiền qua hệ thống nên không đóng lệ phí.
Trong khi đó, nhiều thí sinh cho hay trước đây Bộ GD&ĐT quy định từ ngày 21/8 đến 17h00 ngày 28/8, thí sinh cả nước nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến trên hệ thống. Nhưng sau đó, do không nắm được thông tin Bộ GD&ĐT điều chỉnh thời gian và quy định mỗi thí sinh chỉ có ba ngày để thực hiện thanh toán trực tuyến nên lỡ mất thời hạn. Năm nay là năm đầu tiên ngành giáo dục yêu cầu thí sinh xét tuyển đại học phải thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển. Thời gian thanh toán được điều chỉnh từ ngày 24/8 đến 17h00 ngày 31/8, trên 15 kênh thanh toán trực tuyến.
Trước đó, nhiều chuyên gia đã cảnh báo với việc Bộ GD&ĐT quy định nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến hoàn toàn, rồi lại liên tục thay đổi thời gian khiến thí sinh và phụ huynh sẽ không nắm bắt được.
Sau khi nhận được thông tin từ các trường cũng như từ dư luận, mới đây, Bộ GD&ĐT đã khẳng định do năm đầu tiên thí sinh còn có bỡ ngỡ với phương thức thanh toán trực tuyến, nên các thí sinh chưa nộp lệ phí xét tuyển, Bộ sẽ có phương án để tạo điều kiện cho thí sinh tiếp tục hoàn thành trách nhiệm về lệ phí tuyển sinh theo quy định, không để thí sinh mất cơ hội xét tuyển.