Mỹ cân nhắc tăng gấp đôi số pháo phản lực phóng loạt viện trợ cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lầu Năm Góc đang xem xét gửi thêm 4 hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao M142 HIMARS tới Ukraine, tức gấp đôi số lượng cam kết ban đầu, theo tờ Politico.

Trước đó hồi đầu tháng 6, Mỹ thông báo sẽ gửi 4 hệ thống HIMARS tới Kiev. Mỗi hệ thống có thể bắn cùng lúc 6 tên lửa từ bệ phóng gắn trên xe tải.

Ngoài ra, Mỹ cũng cho biết sẽ cung cấp tên lửa dẫn đường GMLRS để sử dụng cùng HIMARS. Tên lửa này có tầm bắn từ 32 đến 70km.

Không chỉ có tính năng phóng cùng lúc 6 tên lửa, HIMARS còn có khả năng bắn một tên lửa dẫn đường duy nhất với tầm bắn lên tới 300km, nhưng Mỹ vẫn chưa cung cấp cho Ukraine loại đạn này.

Mới đây, các quan chức Lầu Năm Góc giấu tên tiết lộ với Politico rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét gửi thêm 4 hệ thống HIMARS đến Ukraine như một phần trong gói viện trợ sắp tới của Washington.

Hôm 15/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói hỗ trợ an ninh trị giá 1 tỷ đô la dành cho Kiev. Trong đó bao gồm các loại pháo và vũ khí phòng thủ bờ biển, cũng như đầu đạn cho pháo và các hệ thống tên lửa tiên tiến mà Ukraine cần để hỗ trợ hoạt động phòng thủ.

Gói 1 tỷ đô la được Tổng thống Biden công bố chưa đầy một tháng sau khi ông ký dự luật chi 40 tỷ đô la để tài trợ cho nền kinh tế và quân sự của Ukraine.

Dự kiến, 4 hệ thống HIMARS đầu tiên do Mỹ cung cấp sẽ được chuyển đến Kiev vào cuối tháng này sau khi các đơn vị Ukraine hoàn tất quá trình huấn luyện sử dụng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho biết.

Ngoài Mỹ, Anh đã cung cấp cho Ukraine 3 hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 MLRS do Mỹ sản xuất, tương tự HIMARS. Và Đức cũng thông báo trong tuần này rằng sẽ gửi 3 hệ thống M270 cho Kiev, giảm so với lời hứa ban đầu là 4 hệ thống do thiếu đầu đạn.

Tuy nhiên, con số này không đủ để đáp ứng nhu cầu của Kiev. Nghị sĩ Ukraine Alexandra Ustinova nói với Politico: “Chúng tôi đã yêu cầu tăng gấp 10 lần số bệ phóng HIMARS. Bốn chiếc chẳng thấm vào đâu".

Mikhail Podoliak, phụ tá của Tổng thống Ukraine hồi đầu tuần này đã công bố số vũ khí mà Ukraine cần để giành chiến thắng trước Nga, bao gồm 1.000 khẩu pháo 155mm - gần gấp 10 lần số lượng pháo mà Mỹ đã viện trợ đến thời điểm hiện tại, 500 xe tăng và 300 pháo phản lực phóng loạt MLRS. Giả sử ông Podoliak đang đề cập đến hệ thống M270 MLRS, thì con số mà ông yêu cầu chiếm gần 25% tổng số M270 MLRS trên toàn thế giới.

Với việc pháo binh Nga tấn công các vị trí của Ukraine ở Donbass khiến Ukraine mất tới 1.000 binh sĩ mỗi ngày, tại Washington đã bắt đầu xuất hiện quan điểm trái chiều về cách kết thúc cuộc xung đột.

CNN gần đây đưa tin rằng các quan chức Mỹ và châu Âu đang thúc đẩy Ukraine thoả thuận hoà bình với Nga. Trong khi đó, NBC News tiết lộ các quan chức đang “ngày càng lo ngại rằng quỹ đạo của xung đột ở Ukraine là không thể kiểm soát được” và “âm thầm thảo luận” về việc đề nghị ông Zelensky nhượng lãnh thổ cho Nga như một phần của thỏa thuận hòa bình.

Tuy nhiên, cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken đều không thay đổi quan điểm rằng Ukraine có thể giành chiến thắng trên phương diện quân sự, trong khi các quan chức khác nói với NBC rằng chính quyền ông Biden đang “lên kế hoạch cho một cuộc chiến lâu dài” và có ý định “yêu cầu Quốc hội cấp thêm tiền”.

Theo RT
MỚI - NÓNG
Nắng nóng gay gắt còn tiếp diễn ở miền Bắc, miền Trung trong các tháng tớiẢnh: Như Ý
Nắng nóng gay gắt sắp tái diễn
TP - Từ nay đến hết tháng 5, miền Bắc và miền Trung có thể đón 2 đợt nắng nóng gay gắt, nhiều nơi có khả năng xuất hiện nắng nóng đặc biệt gay gắt với mức độ khốc liệt tương đương đợt nắng nóng cuối tháng 4.
Tác phẩm dự thi Vẽ bìa Quyển sách tôi yêu của em Phan Phương Linh, lớp 11K, THPT chuyên Long An
Một thoáng tranh luận về 'dâm thư' của Ocean Vương
TP - Gần đây các vị phụ huynh đã chịu khó đọc cùng con hơn. Thể hiện qua vụ bài thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh được đưa vào sách giáo khoa bị chê hồi tháng 10/2023. Và mới đây là "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" bị một phụ huynh có con học trường quốc tế ở TPHCM cho là “dâm thư”.
Học sinh bậc THPT thường gặp nhiều khó khăn, áp lựcẢnh: PV
Học sinh bối rối chọn ngành nghề
TP - Học sinh THPT ở độ tuổi nhạy cảm, dễ tổn thương và gặp khó khăn khi định hướng nghề nghiệp cũng như chịu nhiều áp lực từ học tập, thi cử. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được phát hiện và hỗ trợ tư vấn, điều trị kịp thời.