Yêu cầu đổi mới lối chơi của đội tuyển Việt Nam được đặt ra từ lâu, và càng được nhắc tới nhiều hơn sau thất bại của thầy trò HLV Park Hang-seo ở AFF Cup 2020. Ba năm là quãng thời gian đủ cho một đội bóng “chạy” xong một chu kỳ thành công nên có thể nói, nhu cầu đổi mới là tất yếu.
Bản thân HLV Park Hang-seo cũng thừa nhận vấn đề này và trên thực tế, ông Park đã có những cố gắng nhất định để đổi mới, cả về nhân sự cũng như lối chơi của đội tuyển Việt Nam. Từ nửa sau của Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á, HLV Park Hang-seo đã thử để đội tuyển Việt Nam chơi với các sơ đồ chiến thuật khác nhau. Mặc dù vậy như ông Park thừa nhận, các cầu thủ cần thêm thời gian để làm quen.
Ở đây có 2 vấn đề cần xem xét. Thứ nhất mỗi HLV đều gắn với một triết lý bóng đá cụ thể. Khó có thể đòi hỏi HLV Park Hang-seo xây dựng đội bóng theo quan điểm của người khác, trái với sở trường của chính ông. Ông Park từng chia sẻ sự hâm mộ đối với Pep Gouardiola hay Jose Mourinho, và cả Alex Ferguson. Tuy nhiên cả 3 vị HLV lừng danh này đều gắn với những cách thức xây dựng, quản lý đội bóng và triết lý bóng đá khác nhau.
HLV Park Hang-seo sẽ tạo sự đột phá cho đội tuyển Việt Nam |
Vấn đề thứ 2 là nhân sự. Dễ thấy dưới áp lực của dư luận cùng số đông công chúng cộng với tình hình chấn thương của nhiều trụ cột, ở đợt tập trung chuẩn bị cho 2 trận đấu với Australia, Trung Quốc ở Vòng loại cuối World Cup 2022 sắp tới, ông Park đã triệu tập khá nhiều gương mặt mới vào đội tuyển Việt Nam.
Có thể kể tới những cái tên như Liễu Quang Vinh, Nguyễn Hữu Tuấn, Nguyễn Trọng Long, Lê Văn Đô hay Hồ Thanh Minh. Tuy nhiên, dễ đoán bộ khung chính của đội tuyển Việt Nam sẽ vẫn là những gương mặt cũ như Quế Ngọc Hải, Hoàng Đức, Nguyễn Quang Hải hay Công Phượng, Tiến Linh, Văn Toàn trên hàng tiền đạo. Cơ hội để các cầu thủ trẻ được ra sân ở đấu trường Vòng loại World Cup là khá nhỏ.
Nếu muốn điều chỉnh chiến thuật hoặc bổ sung thêm các miếng “đánh” cho đội tuyển Việt Nam, ông Park chắc chắn cần những nhân sự thích hợp để phục vụ ý đồ của mình. Chỉ với hàng tiền đạo, nhà cầm quân Hàn Quốc đã thường xuyên than thở về việc không tìm thêm được gương mặt nào khả dĩ có thể hơn được Công Phượng hay Tiến Linh, Văn Toàn. Phạm Tuấn Hải và Hồ Thanh Minh mới chỉ ở dạng tiềm năng.
Tới đây thì câu chuyện lại quay về một vấn đề cũ, là bằng cách nào bóng đá Việt Nam có thể tạo nên những nhân tố mới có đủ chất lượng để phục vụ cho quá trình nâng tầm đội tuyển quốc gia. Ông Park thường xuyên kêu ca về việc các tiền đạo trẻ không được trọng dụng ở đội bóng khi tham dự V-League. Tuy nhiên, người ta cũng thấy rằng 3 năm qua, giải VĐQG bị lép về hoàn toàn so với đội tuyển Việt Nam.
Các nhà tổ chức thường xuyên phải đổi lịch thi đấu V-League để phục vụ kế hoạch thi đấu của đội tuyển Việt Nam, chiều theo các yêu cầu của ông Park. V-League 2021 thậm chí bị huỷ bỏ giữa chừng chỉ bởi tiếng nói phản đối của một số đội bóng đứng cuối bảng xếp hạng, đồng thời với việc đội tuyển Việt Nam cần quỹ thời gian chuẩn bị cho Vòng loại World Cup và AFF Cup 2020.
Cho tới hiện tại, nhiều người đã bắt đầu tin rằng việc V-League bị huỷ đã tác động xấu tới đội tuyển Việt Nam. Ở khía cạnh này, cuộc cách mạng về nhân sự hay lối chơi của đội tuyển Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị từ gốc, tức là V-League. Ông Park cũng chỉ là một mắt xích trong chuỗi phát triển của bóng đá Việt Nam, và để vận hành cả hệ thống thì cần một bàn tay hoạch định đủ tầm.