Phường ra Thông báo?

Phường ra Thông báo?
TP - Ông Nguyễn Văn Cung (trú tại phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) có đơn gửi báo Tiền Phong, phản ánh: gia đình ông xây dựng ngôi nhà kiên cố tại phường Ngọc Thuỵ (Long Biên, Hà Nội), có giấy phép xây dựng.

Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị:

Phường ra Thông báo?

> Mỗi ngày phát sinh bốn nhà siêu mỏng, méo
> Voi vẫn lọt lỗ kim

Xây xong thì UBND phường có Thông báo, yêu cầu ông “xây bịt lại toàn bộ cửa đã mở ra ngõ đi riêng”. Ông Cung có đơn khiếu nại, và nhận được Thông báo không chấp nhận khiếu nại, mới nhất là Thông báo cho biết UBND phường sẽ cưỡng chế xây tường bịt cửa nhà ông.

Trình tự, thủ tục xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, cũng như giải quyết khiếu nại của công dân trong lĩnh vực này được nhiều bạn đọc quan tâm. PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với luật sư - thạc sỹ Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh):

Luật sư cho biết việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị được quy định tại các văn bản pháp luật nào?

Xử lý vi phạm hành chính nói chung được điều chỉnh bởi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Riêng trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị, phải kể đến Luật Xây dựng, và cụ thể hơn, chi tiết hơn là các Nghị định 180/2007/NĐ-CP, Nghị định 23/2009/NĐ-CP ...

Trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này như thế nào, thưa ông?

Hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải được kịp thời phát hiện và lập Biên bản bởi người có thẩm quyền; trên cơ sở Biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền mới ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc Quyết định đình chỉ thi công xây dựng; nếu tổ chức, cá nhân bị xử phạt không tự nguyện thì có thể bị cưỡng chế thi hành.

Riêng với các vi phạm trật tự xây dựng đô thị, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền ra quyết định đình chỉ thi công, quyết định cưỡng chế.

Người bị xử phạt trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị có quyền khiếu nại Quyết định xử phạt không, thưa ông?

Người bị xử phạt nếu không đồng ý với Quyết định xử phạt (hoặc hành vi hành chính của người có thẩm quyền) thì có quyền gửi đơn khiếu nại tới người có thẩm quyền giải quyết; trình tự khiếu nại và giải quyết khiếu nại đã được quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, và Luật Khiếu nại - Tố cáo.

Trở lại trường hợp ông Nguyễn Văn Cung. Bằng các “Thông báo”, UBND phường Ngọc Thuỵ yêu cầu ông Cung phải tự bịt cửa ngôi nhà vừa xây, và sau đó là tổ chức cưỡng chế, theo luật sư, có phù hợp các quy định pháp luật?

Trong vụ việc của ông Cung, tôi chưa thấy có Biên bản vi phạm hành chính do người có thẩm quyền lập, chưa có Quyết xử phạt vi phạm hành chính, chưa có Quyết định giải quyết khiếu nại... Nói chung, việc giải quyết của UBND phường Ngọc Thụy vừa chưa đúng quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị, vừa chưa đúng quy định về giải quyết khiếu nại của công dân.

Nếu ông Cung không nhất trí với hành vi cưỡng chế “xây tường bịt cửa” của UBND phường, ông Cung cần thực hiện các bước gì?

Ông Cung có thể tiếp tục khiếu nại tới cơ quan hành chính cấp trên là UBND quận Long Biên, hoặc khởi kiện ra Tòa hành chính.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG