> Trường huyện có bốn thủ khoa
Thủ khoa Nguyễn Thị Phượng với công việc tỉa bắp, hái rau phụ giúp gia đình trước ngày nhập học. Ảnh: Nguyễn Huy. |
Nhà Phượng ở gần cuối thôn nghèo Lệ Nam (xã Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam). Mấy ngày nay, căn nhà giản dị này luôn rộn tiếng nói cười của bạn bè, người thân đến chia vui với cô học trò nhỏ. Gặp Phượng giữa ruộng ngô đang vào vụ thu hoạch, gần xế trưa nhưng cả gia đình vẫn tất tả với công việc tỉa bắp. Là con út trong gia đình 4 anh chị em, Phượng là người duy nhất được bước chân vào giảng đường đại học.
Bà Trần Thị Huyền (55 tuổi), mẹ Phượng bộc bạch: “Nhà khó khăn quá, mấy đứa lớn phải nghỉ ngang cấp 2, may lắm là cấp ba, rồi đi làm công nhân. Cứ tưởng cháu Phượng không được ôn tập, luyện thi như các bạn sẽ gặp khó đỗ đạt. Ai ngờ nó đậu thủ khoa khiến chúng tôi cười trong nước mắt”.
Sớm xa nhà từ năm lên cấp 3, hằng ngày Phượng phải trọ học nhà người quen trên thị trấn Nam Phước để được học ở trường THPT Sào Nam. Những ngày nghỉ học cuối tuần, Phượng tranh thủ đạp xe gần 30 km về nhà phụ giúp gia đình.
Nổi tiếng là cô học trò đảm đang, làm đủ nghề, từ chăn bò giúp bố cày bừa, đến mùa vụ lại cùng mẹ đi cấy lúa, gặt thuê. Phượng bảo: nhà thuần nông nhưng cũng chỉ được ba sào lúa, nếu không làm thêm, tăng gia sản xuất chắc khó mà lo đủ cho mọi người trong gia đình. Mỗi ngày cùng mẹ cấy lúa thuê, em được trả hơn 100 nghìn đồng.
Ngay trước ngày thi tuyển sinh ĐH, Phượng tranh thủ gặt hết sào lúa cùng gia đình mới khăn gói xuống thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Cả ba năm THPT, Phượng đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến với điểm tổng kết ở mức gần 8,0; nhiều môn Toán, Lý, Hóa, Phượng đều đạt từ 8 – 9 điểm tổng kết cuối năm học.
Đặc biệt, trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH Quảng Nam, cô học trò nhỏ khiến thầy cô, bạn bè và gia đình bất ngờ khi đạt thủ khoa khối B ngành Sư phạm Sinh (20 điểm), chỉ kém thí sinh đứng đầu trường 1 điểm.
Nhìn gia cảnh Phượng thấy "con đường" tới giảng đường của cô đầy khó khăn, chênh vênh. Mừng vì con đỗ đạt, nhưng trong ánh mắt bà Huyền vẫn đầy nỗi lo: “Chỉ sợ mình không còn đủ sức khỏe để làm lụng lo cho cháu ăn học”. Gần chục năm nay, bà Huyền bị chứng đau nhức thần kinh hành hạ.
Ông Nguyễn Văn Dẫn (56 tuổi), ba Phượng chỉ biết trông nhờ vào đồng ruộng, vụ mùa. “Thấy mấy đứa phải nghỉ học, tôi cũng buồn lắm, chỉ mong có sức khỏe làm được nhiều giúp các cháu học hành như chúng bạn, vậy mà mỗi ngày thêm yếu” – ông Dẫn nói.