Phung phí hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách

Phung phí hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách
TP - Lần đầu tiên, ngân sách phải chi hơn 155 tỷ đồng đền bù cho nhà thầu Nhật Bản tại dự án cầu Nhật Tân do giải phóng mặt bằng chậm. Hàng loạt dự án trọng điểm khác ở Thủ đô liên tục bị nhà thầu khiếu nại, thậm chí dọa đưa ra tòa vì vướng mặt bằng...

> Cẩn trọng với kích cầu cuối năm
> Cuối năm kinh tế còn nhiều rủi ro tiềm ẩn

Chưa có tiền lệ

Ngày 1/8, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó TGĐ Ban Quản lý dự án (BQLDA) 85, đại diện cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư dự án cầu Nhật Tân xác nhận. Theo đó, Bộ GTVT đã quyết định chi 155,5 tỷ đồng cho nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) vào ngày 6/8 tới. Khoản tiền này được gọi là “bổ sung chi phí”, nhưng có thể hiểu nôm na là tiền đền bù cho nhà thầu vì chậm giải phóng mặt bằng, dẫn đến kéo dài thời gian, phát sinh chi phí. Số tiền này sẽ được cộng thêm vào tổng chi phí ngân sách dành cho dự án cầu Nhật Tân.

Sự việc chưa từng xảy ra trong lịch sử chi ngân sách này bắt đầu từ tháng 4/2009. Lúc đó, nhà thầu Tokyu khởi công gói thầu số 3 - gói thầu đường dẫn cầu Nhật Tân thuộc địa phận huyện Đông Anh (Hà Nội). Sau khởi công, công trường liên tục phải tạm dừng do vướng mặt bằng. Đến tháng 3/2012, công tác giải phóng mặt bằng mới hoàn tất, khiến hợp đồng thi công kéo dài thêm 27 tháng.

Do chịu nhiều thiệt hại, nhà thầu gửi đơn kiện đến cơ quan trọng tài quốc tế và đòi mức bồi thường gần 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn xác định mức độ thiệt hại của Tokyu là 168 tỷ đồng. Mới đây nhất, nhà thầu cam kết ngừng việc kiện tụng và thống nhất nhận khoản hỗ trợ 155 tỷ đồng. “Là người quản lý, chúng tôi thấy xót xa khi Nhà nước mất một khoản tiền không nhỏ.

Tiến độ toàn dự án chậm mất 2 năm, hao tổn nguồn lực xã hội” - ông Tuấn nói. Hiện nay, địa phận quận Tây Hồ, thuộc dự án này vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Để tránh việc nhà thầu tiếp tục phạt tiền, Ban QLDA 85 thực hiện phương án, có mặt bằng đến đâu, mời nhà thầu vào đến đấy.

Ngoài cầu Nhật Tân, hàng loạt chủ đầu tư, Ban QLDA đang lo lắng trước nguy cơ nhà thầu nước ngoài kiện, đòi tiền đền bù. Ông Đỗ Tất Bình, Trưởng Ban QLDA Nhà ga T2 Nội Bài (thuộc địa phận huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nói: “Với tình hình giải phóng mặt bằng hiện nay, khả năng các nhà thầu Nhật tiếp tục kiện đòi đền bù”.

Ông Lương Quốc Việt, Phó TGĐ TCty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư Dự án Cao tốc Hà Nội - Lào Cai cũng đang khổ sở vì mặt bằng tại Hà Nội, nói: “Các nhà thầu nước ngoài liên tục gửi đơn khiếu nại về công tác giải phóng mặt bằng. Họ chưa gửi đơn kiện ra toà là do muốn dĩ hoà vi quý”.

Lãnh đạo Ban QLDA 2, đơn vị quản lý dự án Hà Nội - Thái Nguyên (dù đoạn qua Thái Nguyên đã thông xe, nhưng đoạn Hà Nội chưa biết khi nào xong hết mặt bằng để thi công), nói: “Cũng may, do các nhà thầu ở đây là doanh nghiệp trong nước nên chưa kiện”.

Bất lực buộc phải “xé rào”

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nguyên nhân của việc chậm giải phóng mặt bằng tại dự án cầu Nhật Tân chủ yếu là do cơ chế đền bù. Cùng một khu vực, các dự án có mục tiêu khác nhau lại có giá đền bù khác nhau. Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế cũng không thống nhất. Chẳng hạn, đang trong giai đoạn thỏa thuận với dân theo mức giá đền bù của Nhà nước, Hà Nội lại áp dụng mức giá đền bù theo giá thị trường dẫn đến tâm lý chờ đợi của người dân.

Trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) cũng cho rằng, nguyên nhân chính là do chính sách đền bù. “Cử tri Hà Nội đang có tâm lý chờ đợi. Người nhận tiền đền bù trước sợ thiệt so với người sau. Cần nghiên cứu thay đổi về chính sách giá đền bù hợp lý. Khi đã có chính sách phải thực hiện quyết liệt trong thời gian nhất định” - đại biểu An nói.

Ngoài vấn đề cơ chế, một nguyên nhân được các chủ đầu tư cho rằng nhạy cảm, nhưng rất quan trọng là tinh thần trách nhiệm của các đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng.

Ông Lương Quốc Việt kể: Người dân nhiều lần nằm trước bánh xích, không cho xe thi công, nhưng từ 2 tuần nay hẹn gặp Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) không được. Ông Đỗ Tất Bình cho rằng, để tháo gỡ tiến độ giải phóng mặt bằng cho một quãng đường ngang dân sinh đi qua dự án nhà ga T2, Ban QLDA đề nghị cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn thống kê tạm thời diện tích.

Chủ đầu tư sẽ chi tiền ngay để giải phóng mặt bằng, sau đó tính toán tiếp theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, chỉ còn gần 10 ngày nữa là cần mặt bằng thi công mà việc này chưa triển khai, đường mới cho dân đi lại vẫn chưa có.

Đại diện của VEC nói: “Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái vào cuộc giải phóng mặt bằng rất quyết liệt, hiệu quả. Sao cứ đến Hà Nội lại vướng. Cán bộ của Hà Nội cần thêm sự nhiệt tình vì các địa phương khác”. Thậm chí, có dự án buộc phải “xé rào” như dự án trị thủy sông Hồng đoạn qua Hà Nội (thuộc dự án WB6).

Theo đó, Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) đã làm “liều” khi chưa xin phép đã khởi công và lý giải: Việc xin phép xây dựng đã được triển khai từ tháng 4/2011. Tuy nhiên, sau 2 năm, trải qua nhiều lần giải trình, bổ sung, nhưng Bộ NN&PTNT và các cơ quan chuyên môn của Hà Nội vẫn chưa cấp phép. “Trước tình hình cấp bách đó, Cục Đường thủy nội địa buộc phải thực hiện song song các thủ tục khởi công xây dựng các công trình và vừa hoàn thiện các thủ tục cấp phép” - Báo cáo của Cục Đường thuỷ nội địa với cấp trên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG