Cá ngừ, cá thu, cá chim, cá mú, cá hồng… dồn dập được đưa vào bờ, cá được phơi khô khắp xóm làng vì không thể nào tiêu thụ kịp. Tàu thuyền đánh cá không lớn, nhiều chiếc sử dụng thuyền buồm nhử cá, cứ chạy lòng vòng ngoài biển để cá tự cắn câu (xâu mồi giả ở phía sau). Đó là hình ảnh đảo Phú Quý thời còn được gọi là Cù Lao Khoai Xứ cách đây chưa lâu.
Ngư dân đảo Phú Quý. Ảnh: Văn Chương |
Những năm gần đây, du lịch biển đảo bùng nổ, sản lượng thủy sản đang liên tục giảm rất nhanh. So với các đảo khác ở dọc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Trị, đảo Phú Quý nằm cách xa đất liền gấp 2-3 lần (56 hải lý). Tuy nhiên, đội tàu du lịch hiện đại dần, nên du khách chỉ mất 150 phút đi từ thành phố Phan Thiết ra đảo, trong khi nhiều năm trước mất tới 9 tiếng.
Sự hoang sơ, với các địa danh, di tích lịch sử văn hóa, văn hóa tâm linh như: Dinh thầy Sài Nại, đền thờ công chúa Bàn Tranh… đã giúp du khách có thêm cảm nhận chiều sâu và “hẹn trở lại Cù Lao Khoai Xứ.
Du khách đến vùng đất mới, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp thì nhu cầu ẩm thực cũng rất lớn. Ở đảo Phú Quý có đặc sản mực ghim dài gần một gang tay. Khi đánh bắt được, ngư dân không đổ mực vào rổ và ướp đá như ở các vùng miền khác, mà bỏ vào túi ny lon buộc kín miệng nhằm không cho con mực bị mất phần phát sáng trên thân mực. Ông Nguyễn Văn Hoàng, ngư dân địa phương, cho biết, phần phát sáng mất đi thì mực không còn nhiều vị ngọt.
Dù cá, tôm ở Phú Quý vẫn còn phong phú, nhưng các loại cá quý nhất ở Phú Quý giờ đây gần như đã biến mất. Ông Huỳnh Văn Luân và con trai Huỳnh Văn Nhân trên chiếc thuyền nhỏ vừa cập bến. Ông Luân cho biết, các loại cá rất ngon như mú đỏ, hồng phèn, hồng đơn, hồng chuối… bây giờ hầu như không còn. Có khi cả năm mới bắt được một vài con, trong khi 15 năm về trước, cứ chạy ra biển và quăng lưới xuống là chở về cả thuyền cá hồng các loại.
Theo ông Luân, đảo Phú Quý vốn là nơi có sản lượng và các loại hải sản phong phú nhất so với các đảo gần bờ. Quanh đảo lớn có các đảo nhỏ (Hòn Cao, Hòn Đỏ, Hòn Tranh…), ra ngoài 30 hải lý có Hòn Khám, Hòn Bố.
Ông Luân giải thích vì sao đảo Phú Quý có đội thuyền nhỏ như ca nô dọc ngang khắp nơi, số lượng đến vài trăm chiếc. Ca nô nhỏ có thể luồn lách vào các rạn ngầm, bãi cạn, tránh các hòn đảo nhỏ bất chợt nhô lên khi thủy triều rút. Cá ngon thường sống ở vùng nước có nhiều san hô, không phải cá nổi như cá ngừ, cá nục, cá trích…
Mực ghim đặc sản ở đảo Phú Quý có hương vị rất thơm ngon. Ảnh: Văn Chương |
Ông Đỗ Minh Lộc, cán bộ Trạm Quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Quý, trong đề tài nghiên cứu khoa học của mình đã đề cập khá chi tiết về những loài cá ở Phú Quý dần biến mất. Nhiều loài có mức độ nguy cấp và nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng, như: rùa biển, cá mó đầu u, cá sú mì, ốc tù và... Dọc các bãi cát ven biển đảo Phú Quý là nơi rùa biển thường xuyên vào kiếm ăn, sinh sản nhưng hiện nay rất hiếm thấy.
Ông Lộc khảo sát và phỏng vấn những bậc cao niên ở đảo, rồi kết luận: Cá heo, cá voi trước đây xuất hiện thường xuyên tại Phú Quý nhưng hiện nay đã giảm đi rất nhiều. Đặc biệt là loài cá cúi hay còn gọi là bò biển (dugongidae) đã biến mất hơn 30 năm nay. Các đàn cá nổi (trích, cơm, chỉ, nục, bạc má…) áp lộng theo mùa gió Tây Nam ngày càng thưa dần, sản lượng không nhiều và thất thường.
Lực lượng kiểm ngư và bộ đội biên phòng thường xuyên tổ chức theo dõi và bắt giữ các tàu đánh cá sử dụng ngư lưới cụ hủy diệt môi trường để tạo sự cân bằng sinh thái trở lại. Trong các đợt tuần tra, lực lượng chức năng thu được nhiều tang vật tận diệt những loại cá quý hiếm. Có vụ thu giữ 1 tàu cá mang theo 20 khẩu súng điện, 7 lít xyanua pha loãng để bắt cá.
Tàu đánh cá BTH 89955 TS gần đây bị bắt giữ, tịch thu nhiều súng điện dùng để bắn cá. Khi sử dụng súng, ngư dân lặn xuống đáy biển, lang thang khắp rừng san hô và chĩa súng về hướng nào thì cá nơi đó lăn ra chết. Thỉnh thoảng có ngư dân bị bắt giữ vì sử dụng xyanua pha loãng đổ xuống vùng cá để hốt trọn ổ.