Theo báo cáo của Euromonitor 2022, Việt Nam có 294.204 nhà hàng dịch vụ bán đồ ăn, thức uống trong năm 2016 và ước tính tăng lên 338.604 nhà hàng vào năm 2022.
Như vậy có thể thấy, mặc dù năm 2021 và 2022 chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, ngành F&B vẫn chứng kiến tốc độ tăng trưởng đều đặn.
Theo thống kê của iPos, VIRAC và cộng đồng chuyên trang F&B Việt Nam trong báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022, doanh thu từ cửa hàng café/bar đóng góp tỷ trọng lớn nhất, lên đến 44,3%. Trong khi đó, doanh thu từ dịch vụ nhà hàng xếp sau với 27,80% (nhà hàng đầy đủ dịch vụ) và 23,06% thị phần (mô hình nhà hàng phục vụ nhanh, bán mang về).
Doanh thu từ các cửa hàng chuỗi cà phê/quán bar đang đóng góp tỷ trọng lớn nhất toàn ngành F&B Việt Nam (ảnh: TasteAtlas). |
Trên tổng hàng nghìn người tham gia khảo sát, số lượng người có tần suất sử dụng dịch vụ đồ uống bên ngoài từ 1-2 lần mỗi tháng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất với tỷ lệ 53,3%. Theo sau là tần suất từ 1-2 ngày/tuần.
Khảo sát cũng cho thấy, khách hàng giới tính nam có xu hướng đi cà phê hàng ngày lớn hơn so với phụ nữ. Tuy nhiên, thống kê lại thấy phụ nữ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho việc “đi café”.
Cụ thể, thống kê chung, 58% thực khách sẵn sàng dành từ 40.000 đồng cho mỗi lần sử dụng đồ uống. Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu từ 41.000 - 70.000 đồng và 14% sẵn sàng chi tiêu từ 70.000 đồng.
Xét theo giới tính, mức chi tiêu từ 41.000 - 70.000 đồng/lần cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất đối với nữ. Tuy nhiên, con số này có xu hướng giảm đi đối với nam giới khi đây chỉ là mức chi tiêu phổ biến đứng thứ 2 với tỷ lệ 35% đối với nhóm giới tính này. Đối với giới tính nam, mức giá 20.000 - 40.000 đồng là phổ biến nhất.
Dù cốc cà phê đắt hơn cả một suất cơm, bát phở song nhiều người Việt rất chuộng sử dụng dịch vụ này (ảnh cắt từ báo cáo). |
Báo cáo cũng đưa ra con số chi phí phổ biến của thực khách Việt cho bữa sáng, đó là 10.000 - 30.000 đồng. Mức này tương đương với 1 hộp xôi thập cẩm hay 1 bánh mì kẹp thịt. 31.000 - 50.000 đồng là chi phí người Việt thường dành để ăn trưa trong năm 2022. Theo sau là mức chi tiêu từ 20.000-30.000 đồng/bữa.
Với bữa tối, người Việt có xu hướng sẵn sàng chi tiêu mạnh tay hơn. Theo đó, chi tiêu trung bình cho mỗi bữa ăn tối bên ngoài đang chiếm tỷ trọng lớn ở mức từ 31.000-50.000 đồng/bữa với tỷ lệ là 38,1%. Song có tới 23,3% người tham gia khảo sát sẵn sàng chi trên 51.000 cho bữa tối.
Mặc dù kinh tế năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn, tuy nhiên theo đánh giá, giá trị thị trường sẽ tăng 18% so với 2022. Sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định và dự kiến sẽ đạt giá trị 938.305 tỷ đồng vào năm 2026.