Đa tình nhưng biết giữ mình
Năm 2024, mẫu phụ nữ hiện đại là ‘‘tự chủ về tài chính”. Còn 90 năm về trước, sự tự chủ về tài chính của phụ nữ được thể hiện qua cuộc thi được tổ chức tại Nam Kỳ.
Năm 1932, nhiều tờ báo ở An Nam thời đó đã đăng tải về cô Lê Thị Tốt, quê ở Chợ Lớn đã đạt giải nhất về đánh máy chữ tại Hội chợ Phụ nữ và được Hội Thương mại Thương nghệ ở Nam Kỳ tặng cho cái coupe khảm chữ màu vàng và một chiếc đồng hồ đeo tay. Ông Trần Mạnh Nhẫn, Đốc học của Trường Ecole Centrale Dakao, trưởng ban tổ chức đã nhấn mạnh mục đích cuộc thi để phụ nữ có được nghề nghiệp, sánh với phụ nữ các nước Âu châu.
Tác giả và cụ bà Đoàn Ngọc Sơ (94 tuổi) trao đổi nội dung cuốn sách Lược luận về phụ nữ Việt Nam của tác giả là Lê Văn Hòe. |
Tính cách của phụ nữ Việt Nam trăm năm trước hiện ra qua bài thơ: ‘‘Thuyền than lại đậu bến than/Gặp cô yếm thắm ôm quàng ngang lưng/Thôi thôi!Tôi van cậu rằng đừng/Tôi lạy cậu rằng đừng/Tuổi tôi con bé chưa từng nguyệt hoa/Tôi về gọi chị tôi ra/Chị tôi đã lớn nguyệt hoa đã từng”.
Bài thơ được viết trong cuốn sách Lược luận về phụ nữ Việt Nam của tác giả Lê Văn Hòe. Cuốn sách này xuất bản năm 1944 và được Hoàng đế Bảo Đại viết lời bạt: ‘‘Khôi phục cốt cách tinh thần, những cổ điển quốc túy, làm cho dân tộc ta có giá trị và được vững bền”.
Học giả Lê Văn Hòe sinh năm 1911 quê ở Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa 1 Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng là nhà nghiên cứu lịch sử, năm 19 tuổi ông đã viểt cuốn sách Khai tâm luân lý, sau đó là các cuốn Bể lòng, Mảnh hồn thơ...
Ông đánh giá đặc điểm tâm lý chung của người phụ nữ Việt Nam cách đây 90 năm ‘‘là người biết giữ mình, đa tình và cũng rất chung tình, đã yêu nhau thì tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, tam thập lục đèo cũng qua”.
Cụ bà Đoàn Ngọc Sơ (94 tuổi) vẫn nhớ nhiều câu thơ từng được in trong cuốn sách Lược luận về phụ nữ Việt Nam của tác giả là Lê Văn Hòe, Đại biểu Quốc hội khóa 1. Ảnh: Văn Chương. |
Vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam trăm năm trước là phải có hàm răng đen vì liên quan tới ăn trầu cau.
Bác sĩ, nhà thám hiểm, nhiếp ảnh người Pháp là Hocquard sang Đông Dương năm 1884 đã nhắc chuyện đàn bà An Nam chê hàm răng của các ông Tây “trắng như răng chó”.
Năm 1889, tạp chí Le Tour du Monde (Vòng quanh thế giới) của Pháp đã đăng loạt bài kéo dài 2 năm với ký sự hành trình Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc kỳ). Hocquard đã mô tả về trầu cau và người đàn bà nhai trầu nhiều tới mức đôi môi phồng rộp.
Trăm năm sau, câu chuyện trầu cau gắn với duyên phận áp đặt ‘‘cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đấy” vẫn diễn ra trong các gia đình. Bà Bà Ngô Thị Cưu, sinh năm 1917, quê ở xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam khi lấy chồng đã được người cha nhấn mạnh đồng thời nói rằng ‘‘sứa mà đòi nhảy qua đăng”, có nghĩa là con sứa thì không nên nhảy qua lưới đăng, giống như con gái phải theo sự sắp đặt của cha, mẹ.
Cùng xã Điện An có bà Lê Thị Chánh, sinh năm 1941, khi nhà trai sang đặt trầu cau thì bà chỉ biết mẹ chồng tên bà Chụt mà không rõ họ, còn chồng thì chưa biết tên.
Cụ bà Lê Thị Chánh từng có chồng theo lệ cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đó. Ảnh: Văn Chương. |
‘Phấn son tô điểm sơn hà’
Bà Lê Thị Lan, sinh năm 1946 là người cùng làng, thuộc thế hệ tân tiến hơn và đã biết đến câu thơ về bình quyền:
“Chuông vàng dòng dã/Gởi bạn quần xa/Phá tan giấc điệp/Tỉnh lại hồn hoa/Hỡi chị em ơi, dậy mà”.
Khi nhà chồng tương lai ở Đà Nẵng tới đặt trầu cau, bà đã thể hiện ‘‘bình quyền” bằng cách nấu cháo đãi cha chồng tương lai, nhưng mỗi khi đặt bát xuống mâm thì dằn thật mạnh để âm thanh từ bếp vang lên nhà trên. Sau này, mối tình với người chồng ở Đà Nẵng không thành, bà đã tự mình tìm hiểu và kết duyên với một người thanh niên ở làng bên.
Bà Đoàn Thị Sơ, sinh năm 1930, quê ở làng chài Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khi tôi tiếp xúc còn nhớ rất rõ những câu chuyện về thân phận người phụ nữ gần 80 năm về trước.
Thời của bà, người phụ nữ thường nhắc đến câu vè: ‘‘Thuyền mạnh về lái/Gái mạnh về chồng... Gái có chồng như rồng có vây/Ngồi trong cửa sổ chạm rồng/Chân loan gối phượng, không chồng cũng hư”.
Cuộc đời của bà lớn lên cạnh con sông Trà Bồng xuôi về biển, người mẹ của bà thường hát câu:
“Người ta sang sông, em cũng sang sông/Người ta sang sông thành được vợ chồng/Em sang không rồi lại xách nón về không/Trước là thẹn thùng với bầu bạn, sau luống công ông chèo đò”.
Nhưng đến thời của bà, làng chài Sơn Trà nằm gần căn cứ Không quân Chu Lai của Mỹ ở Quảng Nam, âm thanh của chiến tranh vang lên suốt ngày đêm, vì vậy chưa đầy 20 tuổi, bà và nhiều chị em đã thể hiện ‘‘người phụ nữ làm chủ”, thuộc lòng nhiều câu thơ binh vận, gọi địch buông súng trở về bằng nhiều bài thơ dài: ‘‘Anh ơi nghĩ lại cho tường/Đường về Tổ quốc là đường vinh quang...”.
Chân dung phụ nữ thập niên 1950 trong tập sách Sài Gòn phong vị báo xuân xưa của nhà báo Phạm Công Luận, nguyên phóng viên báo Sinh viên Việt Nam, Hoa Học Trò. Ảnh: Văn Chương. |
Trong tiểu thuyết Tôi kéo xe của cố nhà báo Tam Lang (Vũ Đình Chi, 1900-1986) viết về cuộc sống như trâu ngựa của giới phu xe ở xứ Bắc Kỳ năm 1930, ông có mô tả cảnh một phụ nữ người Việt, vợ tên cai mắt xanh mũi lõ mặc chiếc quần trắng, cứ nằm dài trên chiếc ghế và tỏ ra dửng dưng khi chồng mình thoi túi bụi lão phu xe (nhà báo Tam Lang) vì nấn ná định hỏi thêm tiền công.
Hai câu thơ trên bìa báo Phụ Nữ Tân văn. Ảnh: Văn Chương. |
Những người đàn bà theo Tây và hưởng bơ sữa đó không phải là nhiều, phần lớn phụ nữ Việt Nam phải sống trong cơ hàn, cực khổ bởi chiến tranh, nghèo đói, luật tục ràng buộc thân phận, nhưng họ đều sẵn sàng đứng lên với tinh thần của Bà Trưng, Bà Triệu.
Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, nếu ngồi nói chuyện với các cụ bà ở tuổi trên 90 thì sẽ còn được nghe các cụ bà đọc 2 câu thơ là măng sét in trên bìa báo Phụ Nữ Tân văn (1929-1935): “Phấn son tô điểm sơn hà/ Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam” .
Chân dung người phụ nữ hiện đại thời Pháp thuộc, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864-1921), nhà báo nữ đầu tiên ở Việt Nam, người khởi xướng cho sự ra đời của báo Phụ Nữ Việt Nam để giúp đàn bà nước Nam trở nên tân tiến. Ảnh: Tư liệu. |
Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864-1921), nhà báo nữ đầu tiên ở Việt Nam, người khởi xướng cho sự ra đời của báo Phụ Nữ Việt Nam. Năm 2023, kỷ niệm 102 năm sau khi bà qua đời, trang chủ của Google tại Việt Nam đã tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh và viết: "Sương Nguyệt Anh được nhớ đến với trí tuệ và nhân cách cao đẹp, cũng như sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Bà tiên phong cho các nhà văn và biên tập viên nữ ở Việt Nam, mở đường cho các thế hệ sau.