Không ngờ, cậu em chẳng những không làm theo lời chị mà còn mắng, rằng chị khờ quá, bây giờ hai chị em mình đến đó lôi anh ấy về, làm to chuyện ra, chị được gì? Em mất công, chị mất sức. Em sẽ qua đón chị, nhưng sẽ đi ra quán cà phê chứ không đi đánh ghen.
May chị vẫn còn cậu em trai, ít hơn chị năm tuổi mà chững chạc, hiểu đời. Chị ngồi bần thần trong quán cà phê, em phân tích đến đâu, chị sáng ra đến đó…
Rảnh rỗi sinh nông nổi
Đến với nhau, anh vẫn lông bông, còn chị phụ mẹ bán tạp hóa. Anh cao to, sáng sủa. Người thân giục chị “coi mà kiếm việc cho thằng Thắng (tên chồng chị) làm đi, chứ cứ ăn ở không vậy”. Nhưng, chị luôn bênh chồng theo kiểu “ảnh chưa kiếm được việc phù hợp”.
Thấy tiệm tạp hóa của mẹ phát đạt, chị mạnh dạn mở riêng. Gặp thời, tiệm càng ngày càng phát triển. Chị vốn tháo vát nên quán xuyến hết. Anh “chồng kiểng” chỉ giúp vợ đi thu tiền nợ, canh tiệm những lúc vợ đi vắng và đưa đón con đi học. Không chỉ bán lẻ, chị còn đổ vốn vô bán sỉ, thuê thêm một mặt bằng bên cạnh để mở rộng buôn bán. Làm ăn hanh thông, chị mua được nhà riêng, rồi mua thêm căn nhà nữa. Từ vốn làm ăn, nhập hàng - bán hàng, mua bán nhà cửa, chị đều tự tay làm. Cũng có đôi lần chị nhờ chồng tham gia đỡ đần nhưng thấy chồng không mặn mà nên lại thôi.
Đầu tắt mặt tối với tiệm tạp hóa từ 7g sáng đến 10g tối, chị còn gắng gượng làm việc nhà vì “chồng không thích thuê người giúp việc”. Nấu ăn, giặt giũ, ủi quần áo cho chồng con, chị tự tay làm hết.
Tiền bạc rủng rỉnh, chị mua sắm cho chồng. Anh đòi mua xe tay ga xịn gần 200 triệu, chị mua ngay. Anh xài điện thoại đời mới nhất, quần áo lượt là, vàng đeo lấp lánh. Chồng muốn gì chị cũng chiều, nhưng với bản thân, chị lại giản tiện vì “suốt ngày rúc trong cái tiệm đầy hàng hóa, có đi đâu mà cần se sua”. Vậy là, mỗi ngày vợ vất vả ở tiệm, còn chồng thong dong diện đồ đẹp, cưỡi xe sang “đi vòng vòng”.
Chị cho anh thời gian thoải mái, miễn là trưa về ăn với vợ bữa cơm, tối đi nhậu thì chỉ cần báo cắt cơm là được. Những bữa nhậu của anh dày hơn. Từ chỗ chỉ nhậu buổi tối, có lúc anh chuyển qua nhậu từ trưa đến tối, không ăn cơm vợ nấu. Cằn nhằn mãi cũng chán, chị không có thời gian và tâm sức để tiếp tục cằn nhằn nên buông luôn. Thường thì chị ngủ rất say vì quá mệt, nên chồng về lúc nào cũng mặc. Những đêm mất ngủ, chị chờ chồng, gọi điện thoại thúc giục giữa khuya, rồi để cãi nhau một trận cho bõ tức.
Những cuộc cãi vã giữa đêm ngày càng dày
Rồi một lần, chị phát hiện chồng lên giường vẫn ôm điện thoại, thậm thụt nhắn tin. Chị sinh nghi, chờ chồng ngủ say để xem nội dung tin nhắn. Chị như muốn ngã quỵ: “Em đã ngủ chưa?”, “Em chưa kịp ngủ, mới tắm xong nè. Anh hai về sớm quá, đang vui mà bỏ về…”. Dựng chồng dậy tra hỏi, anh tỉnh bơ: “Ôi, mấy đứa phục vụ quán ấy mà, nhắn qua nhắn lại cho vui, có gì đâu”.
Chị linh cảm rằng người mà chồng mình lén lút gặp gỡ, nhắn tin qua lại là bồ của chồng chứ không đơn thuần là cô phục vụ quán. Chị cố bắt liên lạc với những người bạn của chồng để tìm hiểu thêm, nhưng chịu!
Hãy bắt chồng luôn bận rộn!
Chị thuê thám tử theo dõi chồng. Một buổi trưa, trời Sài Gòn nóng như đổ lửa, thám tử báo địa điểm khách sạn mà chồng chị dẫn người tình vào. Choáng váng, run rẩy, chị gọi em trai hỗ trợ mình đi bắt quả tang và đánh ghen.
Bây giờ thì chị đang ngồi ở quán cà phê, đối diện chị là cậu em trai điềm tĩnh và chững chạc hơn chị gái. Cậu em mở đầu: “Thực ra, một năm trước, khi nghe chị kể về chuyện gái gú của anh Thắng, em đã đoán ra được chuyện nghiêm trọng rồi. Lúc ấy, em kêu chị làm gì, chị nhớ không?”.
Chị lắc đầu, ngân ngấn nước mắt. “Em nói chị đừng tối mắt tối mũi với chuyện làm ăn, phải biết quan tâm đến chồng con. Quan tâm đến chồng không phải là làm hết việc để chồng được rảnh rang hưởng thụ, cũng không có nghĩa là làm ra thật nhiều tiền và rộng tay đưa cho chồng thoải mái chi xài, mua sắm. Chị phải dành thời gian để chăm chút bản thân, phải có bạn bè để đi chơi, phải biết ăn diện để tự tin với chồng. Nhưng chị cứ tiếp tục theo cách của chị, suốt ngày làm ăn, cung phụng chồng. Bây giờ, nếu chị em mình đến khách sạn đó để bắt quả tang, chị có đoán trước là sẽ xảy ra chuyện gì không?”. Chị lắc đầu, bảo: “Thì cứ đến rồi tính tiếp”.
Cậu em trai rắn giọng: “Nếu chị em mình chạy đến, bảo vệ khách sạn cũng không cho lên phòng đâu. Rồi chị em mình phải đội nắng canh trước cửa khách sạn, trong khi bọn họ ôm nhau trong phòng máy lạnh. Đến lúc họ bước ra thì sao? Chỉ sợ chị không giữ được bình tĩnh, chưa đánh ghen được cái nào đã gào khóc và lăn ra xỉu, em lại phải đưa chị đi cấp cứu”. “Nhưng chị phải bắt tại trận một lần để anh ấy khỏi đường chối!”. “Khỏi chối rồi sao nữa? Chị có gan ly hôn không? Em thừa hiểu là không. Rồi chị sẽ nói là tha thứ cho anh ấy vì chị không muốn con chị khổ, đúng không? Phải giải quyết vấn đề từ gốc, chứ suốt ngày đi canh me đánh ghen, thế nào cũng chết sớm vì ức chế”.
Đến lúc này thì chị đã bình tĩnh hơn. Chị thấy mình đang trượt dài theo sai lầm, cứ ngây thơ nghĩ mình chăm chút cho chồng, chồng sẽ hết lòng trở lại. Gần 10 năm qua, chị vùi đầu vào làm ăn, chẳng nghĩ gì cho bản thân. Ngay như việc đi cà phê, chị cũng không nhớ lần gần đây nhất đã cách mấy năm.
Chị nhìn quanh những bàn bên cạnh, nhiều phụ nữ không đẹp xuất sắc, nhưng lịch sự, gọn gàng, cười nói đầy tự tin. Nhìn lại mình, lùi xùi với chiếc áo khoác bạc màu không có thời gian để mua cái mới, bộ quần áo vừa mặc ở nhà vừa mặc để bán hàng ở tiệm, đôi dép nhựa xỏ vội... Bắt gặp ánh mắt em trai, chị lẳng lặng: “Chị biết rồi, thôi đừng nói nữa”.
Nhưng em trai chị vẫn chưa “tha”: “Tại sao chị bận như vậy mà cứ phải nấu cơm cho chồng con? Thỉnh thoảng nghỉ nấu một bữa để chồng còn nhớ chuyện vợ có thể nấu có thể không, nấu thì vất vả thể nào, rồi cả nhà ra ăn cơm bụi cũng được, không chết đâu mà lo. Rồi chị phải sắm đồ đẹp, kết thêm bạn bè để đi chơi. Khi chị ăn diện và ra ngoài nhiều hơn, anh Thắng mới sợ mất vợ. Chị buôn bán mệt như vậy rồi mà mỗi tối vẫn phải ủi đồ cho chồng, để chồng chị mặc những bộ đồ thẳng thớm, đẹp đẽ ấy để đi tán gái, chị thấy có đáng không?
Dù chị muốn tiếp tục với anh Thắng hay tính đường chia tay, chị cũng phải thay đổi cách sống. Chị nhìn quanh xem có thấy đôi vợ chồng nào ngược ngạo như vợ chồng chị không? Vợ quần quật làm lụng kiếm tiền, chồng ung dung cầm tiền của vợ tiêu xài thoải mái, gọi là rửng mỡ cũng không sai. Với đàn ông, chị đừng để họ rảnh, họ rảnh mà lại xủng xẻng tiền trong tay là hư liền. Chị phải làm sao để anh ấy cùng gánh vác công việc của vợ và phải để anh ấy chịu trách nhiệm lớn hơn vợ. Nói chung là lúc nào cũng phải bắt anh ấy bận rộn”.
Chị tròn mắt: “Sao em biết được những điều này hay vậy?”. Cậu em cười: “Vì vợ em áp dụng chiến thuật đó. Nói thật, em cũng thèm nhậu nhẹt lắm nhưng không có thời gian, nói gì đến thời gian để đi cưa cẩm phụ nữ rồi sinh bồ bịch?”.