Chúng ta thường mặc định rằng phụ nữ càng sinh đẻ nhiều thì càng khiến nhanh già, nhan sắc "xuống cấp". Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học từ Đại học Simon Fraser và Đại học British Columbia đã chứng minh cho điều ngược lại.
Trong cuộc nghiên cứu, họ đã thực hiện lấy mẫu ADN từ nước bọt của 75 người phụ nữ sinh sống tại vùng đông nam Guatemala trong 13 năm. Tất cả họ được chọn đều có lối sống tương đồng để hạn chế tối thiểu những yếu tố tác động khác để tiến hành đo độ dài telomere của họ.
Telomere nằm ở phần chóp cuối của chuỗi ADN có tác dụng bảo vệ nhiễm sắc thể, bảo vệ thông tin di truyền. Các nghiên cứu trước đó đã cho thấy rằng mỗi lần tế bào tái sinh sẽ khiến mức độ telomere ngắn đi, đồng nghĩa sẽ làm mất khả năng bảo vệ nhiễm sắc thể, khiến cho các tế bào lão hóa và không còn hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu mới đây đã chứng minh ra điều ngược lại: những phụ nữ trải qua nhiều lần sinh nở có telomere dài hơn những người phụ nữ sinh ít con.
Cụ thể, cứ mỗi một lần sinh con là người phụ nữ lại dài thêm 0,056 đơn vị telomere chứ không hề ngắn đi như nghiên cứu trước đây. Lý giải về kết quả này, GS Nepomnaschy cho rằng nguyên nhân bởi sự gia tăng hormone estrogen trong suốt quá trình thai kỳ: “Các chức năng của estrogen chính là một chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ các tế bào trước nguy cơ telomere bị ngắn dần”.
Ông cho biết thêm những người phụ nữ sinh nhiều con trong nghiên cứu này cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình và bạn bè. “Sự hỗ trợ này dẫn đến sự gia tăng năng lượng trao đổi chất để có thể phân bổ cho việc bảo trì mô, vì thế nó sẽ làm giảm quá trình lão hóa", GS nói.
Ông cũng lưu ý rằng các yếu tố như độ tuổi lần đầu sinh con, thu nhập và thói quen sinh hoạt cũng ảnh hưởng khá nhiều tới mối liên hệ giữa số lần sinh nở ở người phụ nữ và tốc độ lão hóa ở người đó.
Nghiên cứu này một lần nữa là một tín hiệu đáng mừng cho phụ nữ bởi nếu họ sinh nhiều con cũng không sợ bị già và lại càng trẻ lâu hơn.