Phụ huynh vẫn lo con trượt trường công

Đa số phụ huynh vẫn lo lắng, áp lực khi con tham gia kỳ thi vượt cấp. Ảnh: Nnguyễn Hà
Đa số phụ huynh vẫn lo lắng, áp lực khi con tham gia kỳ thi vượt cấp. Ảnh: Nnguyễn Hà
TP - Các nhà quản lý giáo dục cho rằng, cần phân luồng học sinh càng sớm càng tốt. Nhưng giải bài toán phân luồng, hướng nghiệp thế nào để không còn áp lực, lo lắng cho các bậc phụ huynh mỗi khi con chuẩn bị bước vào lớp 10 vẫn chưa thực hiện được.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 của Hà Nội năm nay có 89.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập, trong khi Hà Nội chỉ tuyển 62% trong số đó. Chính vì thế, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay vẫn “nóng” từ phòng thi tới những câu chuyện phụ huynh đợi con ngoài cổng trường.

Nhiều phụ huynh nói, mất ăn, mất ngủ, đồng hành đưa đón con học chính, học thêm ròng rã hàng năm trời để đích đến là vượt qua kỳ thi này thành công. Vì sao, phụ huynh lại sợ mất suất học trường THPT công lập đến vậy khi mà hiện nay Hà Nội không thiếu các trường THPT tư thục?

Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, Hà Đông cho hay, kỳ thi này sẽ không nặng nề khi làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp. Những học sinh học xong THCS, nếu nhận thấy khả năng học lực khá, tốt có thể lựa chọn ngay con đường học nghề để ra đời, có công việc kiếm tiền ngay được sẽ tốt hơn nhiều tiếp tục học lên THPT, bằng mọi giá vào ĐH tốn rất nhiều tiền bạc nhưng ra trường có khi thất nghiệp.

Ông Lê Xuân Trung chỉ ra lý do khiến phụ huynh bằng mọi giá ép con học để đỗ vào trường công: “Phụ huynh lo lắng, học sinh tốt nghiệp THCS ở độ tuổi hoàn thiện nhân cách, lối sống nên phụ huynh muốn con phải vào trường học, nhất là trường công, nơi được cho đào tạo bài bản để gửi gắm con. Thứ nữa, gửi con vào trường công sẽ giảm áp lực chi phí so với trường tư chất lượng tốt”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, thực tế các trường nghề vẫn không hút được học sinh nên vấn đề phân luồng học sinh gặp khó khăn. Trong đó, có tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo chậm khắc phục, đào tạo đầu ra chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, ở Hà Nội, Chủ tịch UBND TP đã ban hành kế hoạch phân luồng nên các trường trung cấp và CĐ nghề phối hợp Trung tâm giáo dục nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên vừa dạy nghề miễn phí vừa học 7 môn văn hóa để thi tốt nghiệp THPT.

Như vậy, sau khi học xong học sinh được cấp song song bằng trung cấp nghề và bằng tốt nghiệp THPT nên xu thế học sinh theo học hệ thống này tăng lên. Qua thực tế những năm gần đây, học sinh có xu hướng chọn phương án không thi vào lớp 10 tăng lên.

MỚI - NÓNG