Phụ huynh làm… bác sĩ, con nguy kịch

Phụ huynh làm… bác sĩ, con nguy kịch
TP - Đã có trường hợp con trẻ nguy kịch và nhiều trẻ phải nhập viện cấp cứu do bố mẹ tự điều trị bệnh cho con.

Tự chẩn bệnh rồi “kê toa”

Ngày 25/6 khi con trai 6 tuổi Trần N.L, đi học về than nhức đầu và buồn ngủ, chị Nguyễn Th, H, 34 tuổi ở Hóc Môn, TPHCM liền chẩn bệnh cho con. Giống như những lần trước đó, chị H, tưởng con bị nhức đầu do cảm cúm nên ra tiệm thuốc tây cạnh nhà mua thuốc cảm cúm cho con.

Uống hai ngày con không hết bệnh, con chị nằm li bì, nôn ói và nhức đầu dữ dội, chị H, đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1 thì biết được con mình bị viêm mang não do virus. Các bác sĩ cho biết, rất nhiều phụ huynh bằng kinh nghiệm bản thân nên cứ điều trị cho con mà không am tường bệnh tật khiến trẻ có thể gặp nguy hại.

Không chỉ L, là nạn nhân của mẹ tự chẩn bệnh, điều trị, mới đây các bác sĩ khoa Siêu âm, Ngoại Tổng hợp của Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng điều trị cho bệnh nhi Lê N.D, 4 tuổi ngụ ở TPHCM khi bị viêm ruột thừa vỡ gây tràn mủ vào bụng.

Trước đó, D, bị tiêu chảy kèm sốt nhẹ. Bố mẹ của D, nghĩ là rối loạn tiêu hóa nên mua thuốc ở tiệm thuốc tây cho uống nhưng cháu vẫn còn tiêu chảy và bụng chướng nhẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện Nhi Đồng 1 để khám.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí – Trưởng Khoa Siêu Âm cho biết “Do phụ huynh nhầm tưởng bệnh tiêu hóa nên để đến khi mủ tràn vào bụng mới đưa vào viện khiến việc điều trị thêm khó khăn”- bác sĩ Chí cho biết.

Sau những đợt đau bụng kéo dài, thay vì đưa con đến bệnh viện để thăm khám, chị Ngọc A, ở quận 7, TPHCM tự tin chẩn đoán bệnh cho con gái Nguyễn A.P, 12 tuổi là do giun sán “quậy”. Chẩn bệnh song chị A ra nhà thuốc mua một vỉ thuốc sổ giun kèm thêm thuốc giảm đau. Hai ngày không hết, con chị A càng đau nhiều hơn.

Nghĩ con bị viêm ruột thừa, chị Ngọc A, mới đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu. Kết quả siêu âm tại bệnh viện này cho thấy cháu P, bị u nang buồng trứng đang chảy máu do nhập viện muộn. Bác sĩ Phạm Ngọc Tường Vy - Khoa Nhiễm- Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, không chỉ phụ huynh chẩn bệnh sai dẫn đến cho uống thuốc sai khiến trẻ nhập viện muộn, nhiều trẻ bị ngộ độc thuốc do uống thuốc sai, liều không phù hợp.

Thương con bằng hại con

Sau khi con mình được phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm, chị Lê Thị Ng, 32 tuổi ở Long An tiết lộ việc chẩn bệnh cho con mình là do tìm hiểu về hiện tượng đau bụng trên mạng. Chị thừa nhận với bác sĩ cứ thấy con đau bụng dưới nên nghĩ bị rối loạn tiêu hóa mà không biết con mình lại bị viêm ruột thừa.

Bác sĩ Võ Văn Hoàn- khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện An Bình cho biết có khi trẻ bị viêm ruột thừa không đau nhiều như người lớn. “Có trường hợp trẻ bị đau bụng dưới bên phải nhưng có nhiều trường hợp trẻ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ hoặc rối loạn tiêu hóa như ói hay tiêu chảy nên phụ huynh “tay ngang” khó biết bệnh trẻ được. Vì vậy khi thấy biểu hiện của con em mình bất thường tốt nhất nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám”- bác sĩ Hoàn khuyên.

Trong khi đó, theo bác sĩ Phan Dzư Lê Lợi- Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Hoàn Mỹ khi trẻ có biểu hiện bất thường về sức khỏe cần đưa ngay tới bệnh viện hoặc nếu cha mẹ hiểu biết những sơ cứu ban đầu thì nên làm rồi cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

“Nếu như trẻ bị ngạt nước hay bị dị vật đường thở đường ăn thì có thể sơ cứu ban đầu theo sách vở rồi đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên trẻ bị biểu hiện bệnh thì phụ huynh tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc”- bác sĩ Lợi cho biết. Theo người này, ngoài việc bác sĩ có chuyên môn thăm khám ban đầu để chẩn bệnh, khi trẻ hoặc người lớn mắc bệnh còn phải làm thêm một số kỹ thuật cận lâm sàng như xét nghiệm, chụp chiếu để xem kỹ bệnh tình. “Nhiều trường hợp, phụ huynh chủ quan cứ mua thuốc cho trẻ uống đến khi trẻ bệnh nặng thêm đưa đến bệnh viện thì đã muộn”- bác sĩ Lợi cảnh báo.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 rất nhiều phụ huynh cho trẻ nhập viện do sốt xuất huyết hay tay chân miệng trong tình trạng muộn khi bệnh tái phát đã 3-5 ngày. “Đến khi trẻ nổi các nốt xuất huyết toàn thân bố mẹ mới phát hoảng rồi đưa con vào viện. Vì vậy nhiều trẻ bị sốt xuất huyết biến chứng rất nặng, phải điều trị thời gian dài thậm chí tử vong”- bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn- Quyền trưởng Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết.

Cũng có trường hợp con bị sổ mũi và khò khè thì được ba mẹ mua thuốc nhỏ mũi của người lớn để nhỏ nhằm giúp con… mau lành bệnh và sau đó trẻ bị biến chứng.

Theo thống kê ở hai bệnh viện nhi của TPHCM mỗi năm có khoảng 15- 20 trường hợp trẻ bị ngộ độc thuốc kháng histamine dành cho người lớn. “Chăm lo sức khỏe cho con là việc làm rất tốt tuy nhiên khi con trẻ mắc bệnh hoặc biểu hiện của bệnh tật tốt nhất nên gặp bác sĩ và dược sĩ để được tư vấn, thăm khám, chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc một cách khoa học”- bác sĩ Tuấn khuyên.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG