Phòng tránh đuối nước trẻ em: Gia đình không thể lơ là

0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia,trách nhiệm phòng tránh đuối nước cho trẻ trước hết phải thuộc về gia đình. Bố mẹ và người thân chính là những người có tính tiên quyết đến tính mạng của con trẻ. Tuy nhiên, nhiều gia đình do bố mẹ bận rộn công việc đã thiếu quan tâm, giám sát trẻ, dẫn tới các tai nạn thương tâm.

Gần 2.000 trẻ em Việt Nam tử vong mỗi năm vì đuối nước

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong trẻ em từ 5-14 tuổi trên thế giới. Hơn 90% các trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Đó là sự tổn thất vô cùng lớn đối với mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và gia đình, hơn nữa còn để lại sự xót thương, những nỗi đau không thể bù đắp cho cha mẹ, người thân của nạn nhân.

Tại Việt Nam, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, tình hình đuối nước trẻ em đã giảm trong những năm vừa qua, mỗi năm giảm từ 3-5%, tương đương với trung bình mỗi năm giảm 100 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước.

Tuy nhiên mỗi năm, vẫn còn gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước, với nhiều nguyên nhân, như: Trẻ không biết bơi hoặc bơi yếu, trẻ chưa được trang bị kỹ bơi, kỹ năng cứu người; trẻ không được dạy những kỹ năng đánh giá môi trường nguy hiểm để tránh… Thậm chí, việc sơ, cấp cứu khi trẻ bị đuối nước chưa phổ biến rộng rãi. Đáng chú ý, do bận rộn công việc, nhiều bậc cha mẹ cũng có phần lơi lỏng quản lý, còn trẻ nhỏ lại ham vui. Đó là hai trong nhiều yếu tố khiến nguy cơ đuối nước gia tăng.

Bên cạnh đó, nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em còn thiếu, nhiều địa phương hoạt động này được thực hiện chủ yếu lồng ghép trong các chương trình xã hội hoặc công tác Đoàn, Đội mà không có các hoạt động chuyên biệt, hướng tới việc bảo vệ trẻ em. Do đó, phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021- 2030 của Chính phủ.

Phòng tránh đuối nước trẻ em: Gia đình không thể lơ là ảnh 1

Trẻ không biết bơi, thiếu kỹ năng trong môi trường nước khiến nguy cơ đuối nước tăng.

Vai trò của gia đình

Theo các chuyên gia, mọi người cần nhận thức rõ một vấn đề quan trọng: Trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho trẻ phòng tránh đuối nước trước hết phải thuộc về gia đình. Bố mẹ và người thân chính là những người có tính tiên quyết đến tính mạng của con trẻ. Thực tế là vào mỗi dịp hè, khi trẻ nghỉ hè rảnh rỗi kết hợp với thời tiết nắng nóng là thời điểm tỉ lệ trẻ đuối nước tăng. Lúc này, vai trò tuyên truyền của nhà trường tạm thời bị lu mờ và vai trò của gia đình lại cực kỳ quan trọng.

Sự quản lý chặt chẽ mọi hành động cá nhân của trẻ cũng như quan tâm đến những lời bạn bè rủ rê la cà là điều kiện cần để tách con em ra khỏi môi trường không an toàn. Hơn nữa, cần nhắc nhở thường xuyên, cảnh báo thường xuyên về các hiểm họa khó lường từ ao hồ, sông suối sẽ chẳng bao giờ là thừa. Dạy trẻ kĩ năng phát hiện hiểm nguy, kĩ năng thương lượng, từ chối,… để trẻ có ý thức bảo vệ chính mình và bảo vệ bạn bè.

Mặt khác, cung cấp các kiến thức và kỹ năng bơi lội là điều cha mẹ cần trang bị cho con cái. Nếu như ở nông thôn thông thường chính bố mẹ và người thân sẽ là những người thầy dạy bơi cho con cháu mình. Tại các đô thị, cha mẹ có thể đưa con đến các trung tâm dạy bơi để trẻ được trang bị những kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình trong môi trường nước.

Cục trưởng Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho hay, phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm bảo đảm quyền sống còn, an toàn sinh mạng của trẻ em. Hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện. Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030. với mục tiêu giảm 20% số trẻ tử vong do đuối nước, dạy kỹ năng an toàn, dạy bơi cho trẻ em.

Ngày 25/7 vừa qua, Lễ ký kết kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022 - 2030 giữa 10 bộ ngành đã diễn ra, gồm: LĐ-TB&XH, Y tế, GD&ĐT, GTVT, Công an, VH-TT&DL, NN&PTNT, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam. Kết hoạch nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp cụ thể trong triển khai các giải pháp, mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em.

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch liên ngành là tập trung vào các chỉ tiêu và chỉ số như: giảm số trẻ em bị tử vong do đuối nước; tăng số cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và giám sát của trẻ em; tăng số trẻ em từ 6 đến 16 tuổi được tiếp cận các dịch vụ và được biết các kỹ năng kiến thức phòng tránh đuối nước và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; mở rộng và có thêm nhiều môi trường an toàn tại gia đình, trường học, cộng đồng để phòng chống đuối nước trẻ em; tăng các cơ sở các thiết chế tổ chức dạy bơi, vui chơi, giải trí dưới nước thực hiện các quy định để bảo đảm an toàn cho trẻ em.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.