> Từ cô bé bán ngô thành giọng hát thính phòng
> Phòng trà ca nhạc Sài Gòn thời khủng hoảng
Một người quen là ca sĩ bán thời gian dắt tôi đến phòng trà Ân Nam. Phòng trà này không thấy treo biển quảng cáo rình rang mà nằm lẩn dưới tầng hầm của một quán cà phê kiêm bar ca nhạc khá lớn. Bên trên ban nhạc Philippine quậy tưng, còn dưới hầm hôm tôi đến thì tỉ tê nhạc Trịnh.
Bước vào một hành lang âm u trong ánh sáng xanh mờ, tôi rơi ngay vào vòng kiểm tỏa của một giọng hát mà tôi nghĩ là đúng chất phòng trà: Lan Ngọc. Đêm diễn quy tụ đủ mọi giọng hát mới có cũ có, có tiếng có, mà lạ mặt (với tôi) cũng có.
Lan Ngọc và ông xã chính là người cầm trịch về mặt nghệ thuật cho Ân Nam. Được cái là ca sĩ dù nổi tiếng hay không thì tôi thấy hát cũng ngang ngửa nhau cả.
Đi thêm một phòng trà khác thì tôi nhận thấy hình như ca sĩ ở mỗi phòng trà đều mang một chuẩn chung, “phong cách” chung của phòng trà đó. Tức là đã dở thì dở đều, hay hay đều.
Ân Nam có đội hình ca sĩ thuộc loại hay đều, nhạc mục khá đa dạng xen kẽ những bản tình ca quen và hơi lạ, có cả Da Vàng. Ban nhạc chơi sạch sẽ. MC văn vẻ, điệu đà.
Ánh sáng không cho tôi nhìn rõ mặt thính khách nhưng họ nghe nhạc với thái độ có thể nói là trân trọng, say mê, vỗ tay đều. Nhìn chung khán giả các phòng trà tôi đến đều có thái độ tích cực như thế hoặc hơn thế, dù chất lượng hoặc phong cách nghệ thuật của từng nơi có khác nhau.
Thảo nào mà ca nhạc ở Sài Gòn phát triển. Kết thúc một chương trình ca nhạc no nê khoảng 3 giờ đồng hồ, khán giả càng thỏa mãn khi được “bà chủ” Lan Ngọc cùng các nhân viên đứng tận cửa tiễn và cảm ơn.
Anh chàng ca sĩ bán thời gian có nghề chính là giám đốc công ty du lịch. Anh đến với công việc ca sĩ đơn giản: mang giọng hoàn toàn bản năng đến cho ca sĩ Ánh Tuyết - chủ phòng trà ATB nghe thử, thế là hôm sau đứng chung sân khấu với dân chuyên nghiệp luôn. Với mỗi suất hát phòng trà như Ân Nam hay ATB, ca sĩ lĩnh khoảng 200 nghìn cho độ 3 bài. Mỗi tối chịu khó chạy 4-5 tụ điểm cũng ngon rồi.
Người kéo tôi đến phòng trà We là giọng ca đẳng cấp quốc tế Jesse Campbell. Bỏ ra mỗi người 500 nghìn, chúng tôi có được chỗ VIP để thưởng thức Á quân The Voice Mỹ. Chưa kể ca sĩ “hát lót” Thảo Trang cũng là một giọng ca mà tôi đánh giá cao. Trọn vẹn phần việc của mình, Thảo Trang vẫn ngồi lại thưởng thức đồng nghiệp Mỹ.
Điều thú vị là ghế VIP của tôi thậm chí có vị trí không đẹp bằng ghế không VIP bên cạnh. Yếu tố làm nên sự VIP là nệm dày hơn cộng với một gối ôm. Vài ghế ở phía trên nhân viên bảo có người đặt rồi nhưng để ý mãi chẳng thấy những người đó đến.
Nói chung Jessee Campbell đã hát thì khỏi phải bàn. Khán giả toàn người trẻ, cổ vũ, hát theo say sưa, ghi hình bằng đủ các thiết bị có trong tay, về cuối mọi người đứng hết cả lên. Trong số đó có cả nhạc sĩ Phương Uyên và Thiều Bảo Trang. Nhưng cổ vũ say sưa nhất vẫn là người quản lý của Campbell. Campbell nhiều lần ngỏ ý khen ban nhạc và các nhạc công chơi hay dù chỉ tập với anh một buổi.
Chương trình không có MC, ca sĩ tự dẫn. Campbell tất nhiên nói tiếng Anh, không ai phiên dịch. Đêm nhạc ngắn hơn sự mong chờ của khán giả nhưng thực sự chất lượng, đem lại nhiều khoảnh khắc thăng hoa bởi giọng hát siêu nhiên của Campbell.
Dĩ nhiên khán giả muốn anh hát thêm nhưng anh không. Chắc hợp đồng chỉ có từng ấy bài. Nghe nói để xem một vài ca sĩ sao xiệc quốc nội hát ở We, khán giả phải bỏ ra tiền triệu.
Tôi lên mạng lựa chọn phòng trà tiếp theo. Cuối cùng quyết định đến Tiếng Xưa vì được quảng cáo đây là phòng trà ca vũ kịch: “Trong những chương trình ca nhạc hằng đêm, chúng tôi có trình diễn xen kẽ những vở nhạc kịch”.
Thực tế “vở nhạc kịch” mà tôi xem hôm ấy chỉ là một liên khúc dân ca 3 miền với 3 ca sĩ trẻ phân vai theo kiểu trích đoạn chèo Tuần Ty - Đào Huế.
Nếu so với 2 phòng trà kia, thì Tiếng Xưa hẳn hướng tới lượng khán giả đại trà. Nội thất và sân khấu được bài trí theo một gu rất tự nhiên, có vẻ như tự biên tự diễn.
Ca sĩ hầu hết đều rất trẻ, đang ở giai đoạn tập làm nghề, hát các bài nhạc xưa một cách khá vất vả. Tôi ngồi đủ gần để có thể thấy mồ hôi trán của những bạn trẻ yêu ca hát vã ra. Họ không chạy show mà bám trụ suốt chương trình, tham gia nhiều tiết mục song ca, hợp ca.
Ban nhạc chơi đôi khi khá chệch choạc, có khi một bài đổi tới vài lần tiết tấu. Cây đinh của chương trình là Hồng Vân- giọng dân ca nổi tiếng một thời. Cứ đến giới thiệu đến bài nào là bà báo tone bài đó cho ban nhạc, như thể họ không có nhiều thời gian tập.
Hôm tôi đến Tiếng Xưa là ngày thường nên khán giả rất vắng, trong khi sức chứa của khán phòng phải cỡ 300 người. Tuy nhiên Tiếng Xưa tỏ ra khá nhanh nhạy.
Ngoài các tờ rơi quảng cáo được đặt ở ghế ngồi của khách, họ còn cho màn hình cỡ nhỡ cạnh sân khấu chạy hàng loạt hình ảnh của các ca sĩ, nhạc sĩ, các tiết mục biểu diễn… xen các hình ảnh quảng cáo. Bỏ tiền đi phòng trà mà thấy cũng chẳng hơn ở nhà xem TV là vậy.
Nếu bạn thích thưởng thức nhạc Tây trong một không khí hừng hực sức trẻ và sặc mùi thuốc lá thì xin mời đến với các bar ca nhạc như Yoko hay Acoustic.
Ban nhạc mà tôi xem ở Yoko không quá xuất sắc nhưng đầy thuyết phục, khi cả 5 thành viên đều có thể vừa chơi nhạc cụ vừa hát các bài rock n’ roll chắc đang thịnh hành ở Mỹ.
Còn nếu bạn thích nghe nhạc đại chúng cùng hàng nghìn người thì đã có các tụ điểm ngoài trời hội tủ đủ các sao từ to đến nhỏ. Bạn thích xem các nhóm hài, một số phòng trà cũng sẵn sàng phục vụ.
Hãy hình dung một thành phố mà hàng đêm tất cả các sân khấu đều sáng đèn đáp ứng đủ mọi nhu cầu thưởng thức, đủ mọi túi tiền. Người dân ở đó kể cũng biết sống đấy chứ!