Phòng khám Trung Quốc: Rút giấy phép vẫn vô tư khám

Phòng khám Trung Quốc: Rút giấy phép vẫn vô tư khám
TP - “Anh khám bệnh gì vào đăng ký đi. Ở đây có bác sĩ Trung Quốc khám rất tốt đảm bảo không lành bệnh sẽ trả lại tiền”- nhân viên phòng khám y học cổ truyền Huê Hạ ở 8B Lý Thường Kiệt, quận 5 mời chào, bất chấp 10 ngày trước phòng khám này đã bị Sở Y tế TPHCM rút giấy phép hoạt động một năm.

> Bất lực trước nạn bác sĩ Trung Quốc khám chui?

Trong vai bệnh nhân, ngày 19-7, chúng tôi đến phòng khám Huê Hạ trên đường Lý Thường Kiệt, quận 5, TPHCM khám bệnh. Hai nhân viên ở đây cho biết phòng khám vẫn hoạt động bình thường và khẳng định “phòng khám không bị rút giấy phép như thông tin”.

Vẫn như thường

Nộp 20 nghìn đồng để mua sổ khám bệnh, chúng tôi được yêu cầu ngồi chờ bác sĩ gọi tên. Ít phút sau, một nữ nhân viên được giới thiệu là phiên dịch gọi chúng tôi vào phòng cho bác sĩ Trung Quốc khám bệnh.

Một người đàn ông cao to, mặc áo blouse, không đeo bảng tên được người phiên dịch giới thiệu là bác sĩ đến từ Trung Quốc, nổi tiếng chữa các bệnh bằng đông y.

“Bệnh tình như thế nào mà đến đây?”- bác sĩ Trung Quốc hỏi tôi. Sau khi tôi thông tin về bệnh của mình như ăn không tiêu, hay tiêu chảy và hấp thụ kém…bác sĩ yêu cầu đưa tay lên để bắt mạch.

Gần một phút sau khi bắt mạch ở tay phải và xem mạch ở tay trái, bác sĩ phán: “Anh bị đại tiện không bình thường do viêm đường ruột, dạ dày”, rồi quay sang nữ phiên dịch nói toàn tiếng Trung Quốc. Người phiên dịch thông báo lại với chúng tôi rằng “bác sĩ bảo nếu không điều trị sẽ dẫn đến ung thư dạ dày”.

“Tôi sẽ bốc thuốc cho anh uống 15 ngày là hết hẳn bệnh. Sau đó anh ăn uống bình thường và sẽ mập lên”- nữ phiên dịch truyền đạt ý kiến với chúng tôi sau khi trao đổi với bác sĩ.

Thang thuốc gồm 2 loại được bác sĩ này kê cho tôi có giá 2,7 triệu đồng. Lấy lý do thiếu tiền, chúng tôi lấy 5 ngày thuốc với giá 900 nghìn đồng. “Anh phải uống cho hết liệu trình 15 ngày. 5 ngày sau tới khám lại và lấy thuốc tiếp, bệnh mới hết được”- người phiên dịch lưu ý.

Chúng tôi hỏi liệu uống hết 15 ngày bệnh khỏi hẳn không, bác sĩ nói: “Chắc chắn hết. Nếu không hết bệnh sẽ trả lại tiền”. Hai loại thuốc mà phòng khám Huê Hạ bán cho tôi gồm 10 gói thuốc chứa các viên màu đen như hạt đậu xanh cùng 2 vỉ thuốc hình viên nhộng toàn chữ Trung Quốc.

Chỉ hơn 2 giờ ngồi khám và chờ lấy thuốc tại đây, chúng tôi thấy có 5 bệnh nhân đến khám. Chị Nguyễn Thu T., 39 tuổi ở Bình Chánh - TPHCM cho biết, chị bị viêm da khiến mụn mọc đầy ở mặt, điều trị nhiều nơi không khỏi.

Trong sổ khám bệnh cũng được bác sĩ ghi loằng ngoằng bằng chữ Trung Quốc và có một câu tiếng Việt cho thấy bệnh nhân bị viêm da. “Bác sĩ cho uống 20 ngày thuốc với giá 3 triệu đồng”- chị T. nói rằng họ cam kết 20 ngày không hết bệnh, thì cứ đến để được trả lại tiền.

Quan sát toa thuốc của chị T., tôi phát hiện ngoài một số thuốc đông y bằng cây cỏ, có những viên màu đen nhỏ như hạt đậu rất giống thuốc của tôi được phòng khám này bán trước đó.

Không chỉ phòng khám Huê Hạ vô tư tiếp nhận và điều trị bệnh, mà tại phòng khám Đầm Sen trên đường Hòa Bình, quận 11 và phòng khám Ánh Sáng trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, các hoạt động khám chữa bệnh vẫn diễn ra như chưa bao giờ họ bị rút giấy phép.

Không kiểm soát được hết

Trao đổi với Tiền Phong về tình trạng các phòng khám vẫn hoạt động bất chấp lệnh cấm, bác sĩ Phạm Kim Bình- quyền Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM khẳng định sẽ kiểm tra và xử lý.

“Theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở sau khi trao quyết định ngưng hoạt động với các phòng khám này, tuần tới chúng tôi sẽ tái kiểm tra. Nếu phát hiện sẽ đề xuất mức xử lý cao hơn nữa”- bác sĩ Bình cho biết.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan- Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, ngành y tế cấp phép hoạt động phòng khám cũng như thanh tra, xử phạt theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên mức xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe các phòng khám. Đại diện Sở Y tế cho biết, toàn thành phố có 1.000 phòng khám y học cổ truyền, trong đó có 3 phòng khám 100% vốn nước ngoài, song thực tế không thể kiểm soát được hết phòng khám “chui” có yếu tố nước ngoài.

Tìm hiểu về những loại thuốc mà chúng tôi cung cấp, bác sĩ Nguyễn Đại Biên- trưởng khoa khám bệnh BV Nhân dân 115 cho biết, thuốc không có nguồn gốc, thành phần, hạn dùng…nên chẳng biết nó có tác dụng điều trị bệnh gì. “Không nên uống là tốt nhất”- bác sĩ Biên nói.

Trong khi đó, lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Hội Dược liệu TPHCM cũng cho rằng, 30 năm trong nghề vẫn rất khó biết được thuốc này làm từ những gì bởi nhìn bề ngoài nó là thuốc tây y. Theo ông Nghĩa, phải kiểm nghiệm mới biết rõ thành phần có gì.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG