Kiểm tra lại đội hình chống tham nhũng
Thảo luận tại tổ Hà Nội, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho rằng, cần tiếp tục bịt kín những sơ hở bằng cách đánh giá lại cơ chế thanh tra quản lý.
Ông Tuyến chỉ ra, trong phòng chống tham nhũng, ai cũng thấy phức tạp nhưng hầu như không có số liệu phản ánh của dư luận. Hiện nay, cơ quan chuyên trách tham nhũng của Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ còn những hạn chế về mô hình và phương pháp.
Đại tá Phạm Trường Dân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam thừa nhận, việc chống tội phạm tham nhũng còn yếu. Trong năm 2013 chỉ tăng 11 vụ án tham nhũng nhưng lại đình chỉ tới 19 vụ, 30 bị can.
“Phát hiện tham nhũng ít, nhiều bị can được xử án treo. Số tiền thu hồi chỉ được 10% đã phản ánh phần nào dư luận xã hội”- Ông Dân nói. Theo đại biểu này, phải kiểm tra lại đội hình của lực lượng chuyên trách chống tham nhũng ở cả trung ương và địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết, đi giám sát nhiều nơi thấy công tác kê khai tài sản, phòng chống tham nhũng còn yếu. Thanh tra nội bộ không phát hiện được tham nhũng cho thấy công tác cán bộ có sự quản lý xuôi chiều, không tạo được phong trào toàn dân phòng chống tội phạm.
“Vụ Vinashin, Vinalines 3- 4 năm qua quy trình điều tra chậm. Đến năm nay mới có kết quả ban đầu như vậy cũng là bước tiến bộ.” ĐB Trần Thị Quốc Khánh Hà Nội |
“Nhiều trường hợp nhân dân biết nhưng không dám phản ánh”- Ông Quyền nói. Về xử lý tham nhũng, ông Quyền cho biết, có những vụ việc Ủy ban Tư pháp tự rút hồ sơ ra để kiểm tra thì thấy, tham ô hàng tỷ đồng mà vẫn chỉ xử lý kỷ luật nội bộ, mà đáng lẽ ra phải xử lý hình sự. “Ngay trong quá trình xét xử, luật không bắt buộc phải áp dụng tình tiết giảm nhẹ để cho hưởng án treo về tham nhũng nhưng cơ quan xét xử vẫn áp dụng rất nhiều”- Ông Quyền nói.
Còn “xin- cho” còn tham nhũng
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, tham nhũng đang rất phức tạp, không có dấu hiệu giảm như trong Báo cáo của Chính phủ đã thừa nhận. Chống tham nhũng chưa có hiệu quả như yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4. Nguyên nhân do chính một bộ phận cán bộ, lãnh đạo tha hóa.
“Phải làm rõ vì sao có nhiều giải pháp mà tham nhũng không hề giảm. Cần xem lại cơ chế của chúng ta. Qua các vụ tham nhũng lớn xảy ra vừa qua cho thấy nếu trong quản lý còn cơ chế “xin- cho” thì còn tham nhũng. Có xin thì ắt có cho và ngược lại và tham nhũng sinh ra từ đây vì nó còn có đất sống”- Bà Tâm nói.
Theo bà Tâm cần quyết liệt thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa, vì chính đây là kẽ hở cho tham nhũng. “Nhưng nhiều nơi chúng ta nói mà không làm, bởi làm thì mất đất để tham nhũng. Tôi nói rằng nếu người dân đến cơ quan công quyền mà thuận lợi thì họ đâu cần phải có bao thư? Nhưng có bao thư thì đó là sự cộng hưởng đôi bên cùng có lợi. Vì thế, chống tham nhũng người dân cũng phải phối hợp với chính quyền”- Bà Tâm nêu rõ.
“Làm thế nào để đẩy lùi tham nhũng? Mỗi năm Chính phủ báo cáo tham nhũng vẫn tăng và còn phức tạp, làm mất lòng tin cử tri. Cử tri đặt vấn đề trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành ở đâu? Khi xảy ra tham nhũng, phải xử lý nghiêm minh dù là ai, ở vị trí nào. Nhưng lâu nay việc xét xử thiếu nghiêm minh, còn tình trạng nương nhẹ, né tránh, xử lý nội bộ. Tài sản tham ô lớn nhưng khi xử thì thu hồi chưa đến 10%, có phải do uẩn khúc gì không?”- ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) băn khoăn.
Phải can thiệp vào chỗ tiêu xài nhiều tiền
ĐB Đỗ Văn Đương phát biểu tại họp tổ. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, số vụ tham nhũng, tội phạm tham nhũng bị phát hiện, xử lý chưa tương xứng tình hình thực tế. Nhưng đáng lo ngại là nếu không xử lý nghiêm những vụ việc đó, người dân sẽ giảm sút lòng tin.
“Bây giờ tôi rất sợ mất niềm tin của dân, mất dân là hết sức nguy hiểm. Phải tập trung nơi nhiều tiền, nhiều quyền lực để đấu tranh, chứ đừng đi bắt ruồi. Đến nhà tình nghĩa, chính sách người có công cũng bị tham ô, tham nhũng. Nếu không thay đổi cách chống dàn trải như hiện nay thì sẽ khó có hiệu quả cao”- Ông Đương nhấn mạnh.
ĐB Đương kiến nghị Quốc hội nên có một Nghị quyết về phòng chống tham nhũng, tội phạm. Cần có mục tiêu, giao nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan tư pháp để tạo đột biến trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng.
“Cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền địa phương, lãnh đạo công an tỉnh. Phải xử nghiêm nạn bảo kê cho khai thác khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường, tiêu cực về đất đai... Nên tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm nhưng không làm kiểu rải mành mành mà tập trung công trình, nơi đầu tư vốn lớn” – Ông Đương kiến nghị.
Đề cập vụ “bầu” Kiên, ĐB Lê Đông Phong, cho rằng tội phạm lĩnh vực ngân hàng, tài chính rất phức tạp, nhưng giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa rất mờ nhạt, chưa làm rõ nguyên nhân sai phạm để có biện pháp hữu hiệu.
“Vụ “bầu” Kiên khi phát hiện ra thấy đủ vấn đề trong đó hay các vụ án lớn ở các tập đoàn, tổng công ty lúc đổ vỡ mới thấy khối u ác bên trong. Tại sao quá trình giám sát, kiểm tra không phát hiện để ngăn chặn sớm mà chỉ có thể giải quyết được phần ngọn? Việc quy trách nhiệm, khắc phục hậu quả, xử lý nghiêm là cần thiết nhưng phòng ngừa, ngăn chặn từ xa là quan trọng hơn. Nói vui là chưa bị lộ thì vẫn phấn khởi nhưng khi vỡ thì lao vào mổ xẻ là không trúng” – Ông Phong nhận xét .
Lo nhất tội phạm len lỏi vào cơ quan công quyền Chiều 29/10, tại buổi thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ lo ngại việc tội phạm len lỏi vào cơ quan công quyền, làm tê liệt hệ thống hành pháp, tư pháp. Trước thực trạng tội phạm gia tăng, ngày càng trẻ hóa, coi thường mạng sống, bất chấp pháp luật và có tổ chức như hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị nên có nghiên cứu bài bản để dự báo về quy luật phát triển của tội phạm. Từ đó tổng kết, đánh giá cẩn trọng và kiên trì để có đối sách phòng và chống tội phạm. |