Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) tổ chức chiều 25/12 là dịp mổ xẻ kết quả, hạn chế và đưa chương trình hành động cho 10 năm tiếp theo. Một trong những khó khăn mà lãnh đạo Bộ nhắc tới: nhận thức về vai trò của văn hóa trong một bộ phận lãnh đạo chưa xứng tầm. Văn hóa chưa gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế và các ngành khác. Vì vậy dù ngành có bước tiến đáng kể, song chiến lược văn hóa chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nêu: Quá trình đô thị hóa, xu hướng cá nhân hóa, hội nhập quốc tế khiến cho các cá nhân sống ích kỷ hơn, từ đó tạo ra những vấn đề đối với văn hóa nước nhà. Chẳng hạn, sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới tạo thói quen và nhu cầu mới, ngôn ngữ và lối sống mới.
Cách xử lý vấn đề, lối sống trước kia đôi khi không còn phù hợp, thậm chí tác động ngược lại, cản trở sự phát triển. Cái mới chưa rõ ràng, cái cũ thì vẫn tồn tại dẫn đến xã hội mất phương hướng trong nhiều lĩnh vực. Đại diện Sở VHTT Hà Nội nêu hiện tượng một bộ phận giới trẻ “cuồng và quỳ gối trước thần tượng” nhưng lại chưa biết nói lời xin lỗi, cảm ơn.
Đại diện Bộ VHTTDL nêu con số đầu tư cho văn hóa từ nguồn vốn ngân sách 10 năm qua đạt hơn 8.565 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển khoảng hơn 2.156 tỷ đồng. Ở địa phương, nguồn vốn chi cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đạt khoảng 1,72% tổng chi ngân sách, chưa tính tới nguồn huy động xã hội hóa.
Riêng điện ảnh, nếu 10 năm trước mỗi năm chỉ sản xuất
8 phim nay tăng lên khoảng 40 phim.
Trước đây, chỉ 63 rạp nay có hơn 200 cụm rạp với hơn 1 nghìn phòng chiếu. Tổng doanh thu đến cuối 2019 ước tính hơn 4 nghìn tỷ đồng. Điện ảnh được xác định là mũi nhọn phát triển công nghiệp văn hóa, tuy nhiên nguồn lực và sức mạnh nội sinh chưa lớn. Phim Việt mới chiếm hơn 20% lượng phim phát hành mỗi năm, số phim đạt doanh thu khủng cỡ trăm tỷ đếm trên đầu ngón tay, mà nguồn thu lớn nhất đang rơi vào các công ty điện ảnh và giải trí nước ngoài.
Cần thước đo cụ thể
Dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng lâu nay người ta nhắc nhiều tới đạo đức xã hội xuống cấp và mặt trái, tuy nhiên nhìn lại 10 năm thực hiện chiến lược văn hóa thấy không ít tiến bộ. “So với 10 năm trước kinh tế xã hội Việt Nam hôm nay có khoảng cách khá lớn, thu nhập trung bình khoảng 1 nghìn USD, nay đạt 2.700 USD/đầu người. Thị trường văn hóa trước kia mới manh nha chứ chưa rõ như bây giờ”, Phó Thủ tướng nói.
Một số thành tựu đáng ghi nhận 10 năm qua: Du lịch tăng trưởng vượt bậc, đón hơn 18 triệu khách quốc tế năm 2019. Thể thao thành tích cao, đặc biệt bóng đá có những dấu ấn đặc biệt trong khu vực. Nhiều di sản như vịnh Hạ Long, danh thắng Tràng An, cố đô Huế đóng góp lớn vào sự phát triển ngành du lịch, mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho địa phương.
Phó Thủ tướng nêu quan điểm bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa cần đảm bảo hài hòa: Không thể khư khư giữ nguyên di sản, tuy nhiên nếu vì chạy theo phát triển mà làm hỏng di sản là có lỗi, có tội rất lớn. Văn hóa trong thời gian tới không nên chỉ dừng lại ở vận động, mà phải gắn với kỷ cương và pháp luật, đặc biệt cần sự làm gương trong ngành văn hóa, từ bộ máy Đảng, chính quyền đến nhân dân.
“Công nghiệp văn hóa là ngành có thể làm ra tiền, vừa là sức mạnh mềm. Tuy nhiên dù đã bàn thảo nhiều lần nhưng chúng ta vẫn chưa tìm được lĩnh vực mũi nhọn, mang tính đột phá”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.
Trong nhiều cuộc lấy ý kiến các bộ ngành, không ít đại biểu đề xuất Việt Nam nên tập trung phát triển ẩm thực để trở thành bếp ăn của thế giới. Chính vì thế, Chính phủ yêu cầu bàn sâu hơn, tìm ra ngành mũi nhọn phát triển văn hóa để phù hợp yêu cầu mới về phát triển con người mới, trong bối cảnh phát triển mới của thế giới.