Phó Thủ tướng cùng đại biểu dùng cốc thủy tinh thay chai nhựa một lần

Phó Thủ tướng cùng đại biểu dùng cốc thủy tinh thay chai nhựa một lần
TPO - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng toàn thể đại biểu tham dự Lễ phát động Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường sáng nay ở Bạc Liêu đã dùng cốc thủy tinh uống nước thay vì chai nhựa như thường thấy tại các sự kiện, như một cách kêu gọi hạn chế dùng chai nhựa một lần.

Sáng nay, tại tỉnh Bạc Liêu diễn ra Lễ phát động Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường, hưởng ứng Ngày đại dương thế giới và Ngày môi trường thế giới với sự tham dự của hàng trăm đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Tại sự kiện, thay vì dùng chai nhựa một lần như nhiều sự kiện khác. Toàn bộ đại biểu đã sử dụng cốc thủy tinh để uống nước, như một hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia phát thải rác nhựa nhiều nhất châu Á.

Ngày Đại dương Thế giới năm nay với chủ đề “Giới và Đại dương” (Gender and The Oceans) phản ánh vấn đề về giới trong mối quan hệ của loài người với các đại dương, như một lời kêu gọi chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh bằng cách kết nối, lan tỏa và truyền cảm hứng hướng tới bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến đại dương để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDGs) của Liên hợp quốc đến năm 2030.

Phó Thủ tướng cùng đại biểu dùng cốc thủy tinh thay chai nhựa một lần ảnh 1 Photo: ..

Bên cạnh đó, chủ đề năm nay còn hướng tới khuyến khích các giải pháp cho vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và tăng cường ngăn chặn rác thải nhựa trên biển vì một đại dương khỏe mạnh hơn, cho một tương lai tốt đẹp hơn.

Theo Liên Hiệp Quốc, mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ nhưng chỉ có 27% trong số đó được xử lý và tái chế, dự báo đến năm 2050, rác thải nhựa sẽ nặng hơn khối lượng cá ở các đại dương. Theo thống kê của Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF), khoảng 150 triệu tấn rác nhựa đang trôi nổi trên biển. Sản lượng nhựa được dự báo sẽ tăng thêm 40% vào năm 2030 nếu như chúng ta không có hành động gì để thay đổi.

Việt Nam đứng thứ 4 (sau Trung Quốc, Indonensia, Philippines) ở châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc xếp Việt Nam ở vị trí thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. Theo Vụ Quản lý Chất thải, Tổng cục Môi trường Bộ TN&MT, nếu chất thải nhựa và túi ni lông không được tái sử dụng, tái chế, lượng chất thải nhựa và túi ni lông thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ  2,5 triệu tấn/năm. Chỉ số nhựa tiêu thụ tính trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Nếu như năm 1990, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 3,8 kg/năm thì đến năm 2015 con số này đã tăng lên 49 kg/người/năm, gấp gần 13 lần.

Có mặt tại Hội nghị, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nêu câu chuyện, một chiếc túi nilong chỉ mất 5 giây để sản xuất nhưng mất tới 500-1000 năm mới phân huy được trong tự nhiên. Nhựa phân hủy không biến mất hoàn toàn mà trở thành hạt vi nhựa, chúng sẽ lắng trong nước biển, nước sông, nằm trong chuỗi thức ăn của động thực vật và cuối cùng trở lại cơ thể con người.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Ban, Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và kêu gọi các tổ chức cũng như tất cả người dân quản lý rác thải biển, nhất là rác thải nhựa; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển. Tiến hành rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hoà, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đề xuất được những chương trình, dự án tổng hợp mang tính liên vùng, liên lĩnh vực nhằm giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển, các nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu. Đặc biệt cần có các nhiệm vụ trọng điểm ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay như vấn đề ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, vấn đề rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng.

MỚI - NÓNG