NS Phó Đức Phương và NSƯT Minh Thu
Cuộc nói chuyện cuối cùng của tôi và nhạc sĩ Phó Đức Phương đã không bao giờ diễn ra. Trưa hôm đó tôi nhận được điện thoại của nhà báo Phó Khánh Chi, thứ nữ của nhạc sĩ để trao đổi về thông tin trong bài viết về các thế hệ làm âm nhạc trong dòng họ Phó. Nhạc sĩ nhớ ra rằng ông và anh trai Phó Đức Vạn từng hợp tác làm nhạc cho vở diễn là Từ Thức gặp tiên chứ không phải Hồn Trương Ba da hàng thịt. Nhưng lúc đó hẳn cũng hơi vội, vả lại tôi đã bỏ đoạn đó ra khỏi bài nên tôi bảo không cần phải nói chuyện với nhạc sĩ nữa. Mà thực ra ông cũng đã đến giai đoạn nói chuyện thôi cũng mệt. Mấy ngày sau, ông qua đời.
Trước đó đôi lần hai chú cháu đã trao đổi về bài viết qua điện thoại. Cũng chỉ quanh việc thêm từ này bớt từ kia cho chuẩn ý ông. Nói chung trong hoàn cảnh đặc biệt với nhân vật đặc biệt, tôi vui vẻ chiều ý ông. Hãy tưởng tượng ông phải nén đau để ngồi soi từng từ trong một bài báo chứ cũng chẳng phải trước tác gì ghê gớm. Bài viết được công bố vài tiếng sau khi nhạc sĩ qua đời. Tôi cũng đỡ áy náy vì khi còn sống ông đã đọc và yên tâm về những thông tin ông muốn chuyển tải đến độc giả.
“Hãy để những cái ôm, những giọt nước mắt chia sẻ của chúng ta không phải vì tiếc thương cho ông, mà để tự hào tiễn đưa ông đến miền cực lạc, tiễn đưa một số mệnh đã trọn vẹn một đời công danh sự nghiệp cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam”, Trích lời cảm tạ của gia đình nhạc sĩ Phó Đức Phương tại tang lễ
Hồi tôi học cấp II, bài Nha Trang thu đang rất nổi, được thể hiện rất chất qua giọng hát Ngọc Bích với chất giọng rung độc nhất - biểu tượng của nhạc nhẹ thời bấy giờ. Nói chung, bài hát đầy dương tính bật ra khỏi không khí “âm lịch” chung của những bài làm nên tên tuổi Phó Đức Phương sau này. So với một bài hát cũng rất nổi cùng thời là Nha Trang mùa thu lại về (Văn Ký) có thể thấy con đường riêng của Phó Đức Phương. Ông không đưa những nội dung thường thấy trong nhạc đỏ vào bài hát. Mà phả vào bài địa phương ca thi vị của tình yêu, của tuổi trẻ, tăng khả năng phổ cập của tác phẩm hơn.
Phó Đức Phương thực sự trở thành hiện tượng đại chúng với Trên đỉnh phù vân giữa những năm 1990, khi Mỹ Linh đưa bài hát lên sân khấu Duyên dáng Việt Nam gây tiếng vang lớn. Sự ma mị, day dứt đến tột đỉnh của bài hát ngay lập tức thu hút và chinh phục công chúng. Một bài hát hiếm hoi được phát hành đĩa đơn (dạng cassette) lúc bấy giờ.
Từ đó, ông chính thức bước vào đời sống, nói hẳn ra là thị trường âm nhạc. Đài phát thanh có công đưa nhiều bài hát của các nhạc sĩ thời đó đến với rộng rãi công chúng nhưng lại không có một bảng xếp hạng để có thể đong đếm ngay lập tức. Sau đó tam ca 3A tiếp tục đem Vũ khúc con cò lên sân khấu Duyên dáng Việt Nam rồi Chảy đi sông ơi đến với Làn Sóng Xanh. Không thể và có thể nhiều lần được Đàm Vĩnh Hưng và Tuấn Hưng song ca tại các chương trình lớn, khởi đầu cũng từ Làn Sóng Xanh. Một thoáng Tây Hồ, Trên đỉnh phù vân… được dàn dựng công phu trên các sân khấu hải ngoại.
Đương nhiên cũng rất nhiều người viết về địa phương, theo đặt hàng nhưng không lái được nó sang hướng tình ca mượt mà để phổ biến được như Phó Đức Phương. Một biệt tài nữa của ông là luôn tinh chế được cái tình từ cảnh vật để làm cho bài hát mềm mại đi vào lòng người bất kể nó gắn với địa danh hay không. Hồ trên núi (chung chung) hay Huyền thoại hồ Núi Cốc đều được yêu thích cả.
Tôi không có dịp hỏi tác giả, sáng tác nào được ông tâm đắc nhất, nhưng có vẻ Một thoáng Tây hồ hội tụ đầy đủ những phẩm chất của nhạc Phó Đức Phương. Lời trau chuốt, đầy địa danh, điển tích hòa quyện với nét nhạc đẹp bay bướm mà vẫn khuôn thước, rất cổ điển Việt Nam. Với tôi, Phó Đức Phương mang tính hiện tượng ở chỗ ông đạt đến đại chúng bằng chính việc đào sâu cái tôi của mình. Không phải nghệ sĩ nào cũng làm được điều đấy trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào.
Số lượng tác phẩm đã được phổ biến của Phó Đức Phương không nhiều cũng không ít. Nhưng chắc chắn 18 năm ông bỏ đi làm bản quyền sẽ để lại một khoảng trống nuối tiếc trong lòng người yêu nhạc. Vì chỉ cần thêm một bài như Một thoáng Tây Hồ, Trên đình phù vân hay Chảy đi sông ơi đã là quý rồi. Nhưng rồi xét cho cùng, 1-2 bài hit đổi lấy sự phát triển vượt bậc về tác quyền cũng không phải là đắt.
Trong buổi tiễn đưa Phó Đức Phương (24/9), Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khi nhắc đến sự nghiệp bản quyền gọi Phó Đức Phương là “người thuyền trưởng dũng cảm và đầy khát vọng, đam mê, vì quyền và lợi ích hợp pháp của các nhạc sĩ”. Nhưng thực ra ông còn kiêm luôn là người đóng tàu đã bằng “nhiều cố gắng nỗ lực phi thường, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách”, để đặt nền móng thành lập Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam tháng 4/2002.
“Kết quả hoạt động của Trung tâm góp phần không nhỏ khuyến khích sáng tạo, mang lại sự công bằng cho các tác giả, thúc đẩy sự phát triển và bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ”, Đỗ Hồng Quân khẳng định. Các nhạc sĩ sẽ nhớ về ông không chỉ như một đồng nghiệp mà còn là một “hiệp sĩ”, “người hùng” đã làm điều mà nếu không có uy tín chuyên môn, không có tinh thần hành động như ông hẳn không thể làm nổi.
Với các ca sĩ, sự khó tính của ông bây giờ chỉ là kỷ niệm đẹp, vì sẽ không ai làm khó nhưng cũng tốt cho họ như thế. “Cháu sẽ nhớ mãi những buổi tập bài với chú, người tráng sĩ sông Hồng mạnh mẽ nhất mà cháu từng biết”, Tùng Dương viết trong sổ tang. “Hẹn ở một nơi xa nào đó, vẫn sẽ là học trò của nhạc sĩ Phó Đức Phương”, NSƯT Minh Thu cam kết. Thái Thùy Linh có dịp tập bài cùng Phó Đức Phương khi còn ở Năm Dòng Kẻ cho rằng ông: “Rút gan ruột cho từng nốt nhạc, coi nhạc là máu của mình”. Vậy nên mong mỏi của nhạc sĩ “kể cả có mất một ngón chân để các ca sĩ hát đúng bài của mình tôi cũng chịu” có khi rất thật.
Nghệ sĩ múa Trần Ly Ly gán luôn nhân vật sáng tạo của Phó Đức Phương cho ông. Chị viết: “Kính viếng người Trời, Thần Chim Lạc. Xin anh bay bổng nơi cõi trời”. Trước nhiều phóng viên, Thanh Lam đọc lời bài tủ Không thể và có thể: “Người đã ra đi có thể trở lại” và vô tư phỏng đoán Phó Đức Phương sẽ sớm “đầu thai” để hoàn tất những dự định dang dở. Không biết thế nào nhưng hẳn nhiều người cùng một suy nghĩ với diva.