Ông Lê Văn Cuông |
Phát biểu tại hội trường trong phiên thảo luận sáng nay về tình hình kinh tế xã hội, ông Cuông cho rằng có nhiều điều phải nói trong công tác đào tạo tiến sĩ hiện nay.
Chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ của Bộ GD&ĐT gây nhiều ý kiến tranh cãi thời gian vừa qua chưa làm cho người dân hết nghi ngờ thì gần đây có địa phương đặt mục tiêu đến 2020 có 100% cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ.
100% cán bộ thuộc diện UBND thành phố quản lý có trình độ trên đại học trong đó trên một nửa có trình độ tiến sĩ. 100% các cán bộ thuộc xã phường có trình độ đại học.
“Nếu địa phương nào cũng học theo mô hình này thì có lẽ đến ngày hội chứng ra ngõ gặp tiến sĩ sẽ thành hiện thực. Cùng với vấn nạn chạy chức chạy quyền, chủ trương trên sẽ tạo tình trạng chạy theo bằng cấp, vốn làm giảm chất lượng đội ngũ công chức của chúng ta” - Ông Cuông nói.
Cũng theo đại biểu này, trên thế giới người ta đào tạo tiến sĩ để làm việc trong các trường đại học, viện nghiên cứu còn ở nước ta người ta làm tiến sĩ để ra làm quan. Nếu không có cơ chế sẽ tạo cho nạn chạy chức chạy quyền phát triển.
Ông cho rằng trong thực tế có nhiều cán bộ không có bằng cấp cao nhưng vẫn rất được nhân dân tin tưởng, tín nhiệm và trong khi nhiều người có bằng cấp nhưng lại không làm được như vậy.
Ông Cuông cũng nêu một vấn đề khá bức xúc đó là việc từ ngày các hộ nghèo được phát tiền, khí thế bình xét, công nhận hộ nghèo ở các vùng quê, các địa phương sôi nổi hẳn lên. Những hộ trúng nghèo có tâm trạng phấn khởi. Những hộ không được có cử chỉ, hành động thiếu văn hóa.
Nhiều cử tri cho rằng cách làm này gây ra tình trạng suy bì, tư tưởng ỉ lại. Vì vậy, đề nghị các khoản hỗ trợ sản xuất không nên phát bằng tiền mà nên tập trung vào những vấn đề lớn mang tính đột phá gắn với thay đổi tư duy. Cần đầu tư cho nông dân nhiều hơn để tạo cho họ những kiến thức cơ bản, tạo ra nhiều giá trị từ nông nghiệp.
Mặt khác cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các vùng đặc biệt khó khăn. Việc hỗ trợ tiền mặt, vật dụng chỉ áp dụng đối với những đội tượng đặc biệt khó khăn, không nên cấp đại trà như vừa qua.
Xuất khẩu gạo: Thu lợi trên công sức nông dân
Liên quan đến việc xuất khẩu gạo trong thời gian vừa qua, các đại biểu cho rằng cần có sự xem xét, quản lý chặt chẽ hơn nữa. Đến nay chúng ta đến nay xuất khẩu gạo 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng cần xem xét các doanh nghiệp xuất khẩu thu lợi được bao nhiêu tiền trong khi nông dân không được bao nhiêu.
“Thực tế doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì quá giàu trong khi nông dân làm ra hạt gạo thì chỉ đủ ăn. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo mua lúa dự trữ được mua lúa với lãi suất hỗ trợ bằng không trong khi nông dân cứ xong vụ mùa thì phải bán lúa để trả lãi, tiền vay cho ngân hàng. Tại sao nông dân không được ưu đãi cho vay hỗ trợ sản xuất”- Đại biểu nêu ý kiến.
Dịch bệnh nhiều do coi nhẹ y tế dự phòng Ông Cuông cũng cho rằng chúng ta hay nói phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng thưc tế đầu tư cho y tế dự phòng chưa tới 1/4 đầu tư cho y tế. Điều đáng lo ngại là tâm lý coi nhẹ y tế dự phòng xuất hiện ở cả những người có trách nhiệm của ngành y tế. Ông cho rằng việc dịch bệnh xuất hiện nhiều thời gian qua phần nào là xuất phát từ việc coi nhẹ công tác y tế dự phòng nói trên. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là ngành y tế cần cần phải đặt y tế dự phòng đúng vị trí của họ. |