Phố ẩm thực ở TPHCM: Người bán nhiều hơn người ăn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo các chuyên gia, việc các phố ẩm thực liên tục hình thành nhưng không mấy thu hút là do quy hoạch dàn trải, thiếu điểm nhấn đặc biệt. Để không lặp lại cảnh phố ẩm thực “người bán nhiều hơn người mua”, các địa phương cần quy hoạch bài bản để tạo bản sắc riêng, chứ không chỉ biến nơi này thành “khu bán đồ ăn khổng lồ”.

Phố ẩm thực lác đác thực khách

Tối 17/12, Hoàng Vũ (TP Thủ Đức) chạy gần 10km từ nhà lên phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (quận 3, TPHCM) để tìm ăn tré trộn sau khi xem những video quảng cáo trên mạng về món ăn hấp dẫn này. Trái ngược với kỳ vọng về một tuyến phố sầm uất, thơm phức mùi thức ăn, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền nối giữa tuyến đường lớn Nguyễn Đình Chiểu - Điện Biên Phủ không mấy đông đúc. Vũ mất 30 phút đi loanh quanh nhưng không tìm thấy chỗ gửi xe, các cửa hàng bán tré trộn cũng lác đác chứ không nằm san sát nhau để khách dễ lựa chọn, xen kẽ là những quán trà sữa, bánh đồng xu phô mai, cá viên chiên… như bao khu phố khác. Trên tuyến đường này, hàng dài xe cộ qua lại tấp nập, khách muốn đi bộ sang đường mua hàng phải vật lộn giữa dòng xe bóp còi inh ỏi.

Phố ẩm thực ở TPHCM: Người bán nhiều hơn người ăn ảnh 1

Các chuyên gia cho rằng TPHCM cần quy hoạch bài bản phố ẩm thực để khai phá hết tiềm năng kinh tế đêm của “thành phố không ngủ”. Ảnh: Nhàn Lê

“Dạo một vòng mà không biết gửi xe ở đâu, tôi đành mua một phần tré đem về nhà ăn thử chứ không nán lại lâu. Không gian ở đây không phù hợp cho khách lê la, vui chơi cuối tuần vì khói bụi từ xe cộ, lại không có nhà vệ sinh, không gian ngồi ăn cũng chật chội. Lần sau nếu thèm ăn vặt tôi sẽ đặt chứ không chạy xe đi xa để hít bụi thế này”, Vũ nói.

Có thâm niên hơn 3 năm buôn bán tại phố ẩm thực Kỳ Đài Quang Trung (quận 10), chị Thanh Châu ngán ngẩm vì tình hình kinh doanh ảm đạm những ngày cuối năm. Trong lúc giá thuê mặt bằng không giảm, tiểu thương này cho biết chỉ cầm cự thêm được đến cuối năm. “Nếu sang năm vẫn tiếp tục như vậy, tôi sẽ sang quán và chuyển hướng làm nghề khác vì buôn bán không đủ sống. Phố ẩm thực chỉ đông vào mấy tháng đầu mới khai trương, hiện nay gian hàng nào cũng ế ẩm không có khách”, chị Châu nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, trái ngược với kỳ vọng về không gian mua bán tấp nập mỗi khi thành phố lên đèn, chỉ một số nơi nổi tiếng như phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10), Vĩnh Khánh (quận 4) mới thu hút đông người dân và khách du lịch. Những tuyến phố khác như Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Kỳ Đài Quang Trung (quận 10), Hậu Giang (quận 6)... rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ.

Sẽ còn ế ẩm nếu chỉ bán đồ Hàn, Thái, Nhật

Nhiều địa phương đang có kế hoạch mở thêm nhiều khu phố ẩm thực tại khu hồ Bán Nguyệt - cầu Ánh Sao (quận 7), Trung Sơn (huyện Bình Chánh). Bài toán đặt ra với chính quyền các địa phương là phát triển phố ẩm thực đêm mới thế nào để thu hút thực khách, không lặp lại kịch bản “người bán nhiều hơn người mua”. Ghi nhận của phóng viên cho thấy nhiều khu phố ẩm thực tại TPHCM như phố Phan Xích Long ở quận Phú Nhuận hầu hết bán các món Hàn, Nhật Thái, trong khi ở phố ẩm thực Vĩnh Khánh, quận 4 toàn quán nhậu các món ốc...

KTS Ngô Viết Nam Sơn tỏ ra không mấy bất ngờ về thông tin một số phố ẩm thực tại TPHCM thất bại, vắng khách. Ông nhìn nhận khó khăn của các phố ẩm thực là thiếu điểm nhấn, quy hoạch dàn trải, một số phố ẩm thực gọi là phố nhưng thực chất chỉ là “khu đông người ăn uống” nên khách chỉ tới tham quan 1-2 lần vì tò mò rồi không muốn quay lại. “Hầu như phố nào cũng bán thức ăn nhanh, trà sữa, pizza. Một số địa phương chỉ đang dừng ở mức thấy khu nào bán nhiều đồ ăn thì tiến hành quy hoạch, gom lại thành phố ẩm thực”, ông Sơn bày tỏ.

Dưới góc nhìn của một người làm quy hoạch, vị kiến trúc sư cho rằng chính quyền địa phương khi xây dựng phố ẩm thực cần đặt ra câu hỏi trọng tâm tuyến phố ở đâu, điểm thu hút lớn nhất là gì để khách du lịch trong và ngoài nước phải quay lại. Những nét ẩm thực đặc sắc này cần gắn liền với văn hóa địa phương. Ông Sơn gợi ý, phố Kỳ Đài Quang Trung có thể tập trung bán các món của người Hoa hay phố Bùi Viện hướng đến phong cách quốc tế, bán đa dạng đồ Tây. Với địa điểm đường sách, có thể kết hợp làm phố ẩm thực và những giá trị liên quan đến sách như ra mắt sách về nấu ăn, tạo khóa học 1 ngày nấu ăn, ẩm thực theo dạng chuyên đề... Cùng với đó, vị chuyên gia đề xuất chính quyền địa phương nên khuyến khích nhà đầu tư nhận thầu để tổ chức chuyên nghiệp, biến phố ẩm thực thành điểm đến du lịch thực sự cho du khách.

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội, cho rằng, phải cân nhắc nhiều yếu tố khi mở các khu phố ẩm thực mới, trong bối cảnh các khu phố đêm cũ ế ẩm. Đầu tiên, phải xác định rõ mục đích mở ra các khu phố ẩm thực là phát triển kinh tế địa phương hay chỉ tập hợp để quản lý và làm đầy báo cáo, sổ sách. “Nếu mở phố ẩm thực để phát triển kinh tế địa phương thì cần xem lại việc quy hoạch tổng quan có bài bản, có khả năng thu hút du khách và đúng với xu thế của thị trường hay chưa. Trường hợp mở phố ẩm thực chỉ để quản lý những hoạt động kinh doanh tự phát thì không đem lại hiệu quả”, ông Phương nói.

Theo ông Lưu Nhật Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TPHCM, với đặc trưng là “thành phố không ngủ” như TPHCM, hiện nay việc phát triển kinh tế đêm vẫn chưa khai phá hết tiềm năng vốn có. Chính quyền gần đây mở thêm nhiều khu phố ẩm thực đêm là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ thành phố đang đi đúng hướng để khai phá tiềm lực kinh tế đêm. Tuy vậy, ông Tuấn cho rằng việc phối hợp quản lý, quy hoạch phố ẩm thực như thế nào sẽ còn phải bàn rất nhiều.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.