Phim truyền hình Việt: Đề tài cũ, mòn

TPO - Sau một số phim truyền hình chiếm được cảm tình của người xem, loạt phim giờ vàng truyền hình phát sóng gần đây lại gây thất vọng. Thiếu kịch bản, phụ thuộc vào Việt hóa khiến nhiều bộ phim rơi vào lối mòn kéo theo chất lượng trồi sụt. 

Câu chuyện thiếu sức hút

Trong top 10 phim Việt có tỷ suất người xem cao nhất 2021 do trang Kantar Media Vietnam công bố, có tới 7 phim thuộc hai mảng đề tài này, trong đó 5 phim khai thác yếu tố gia đình.

Không thể phủ nhận phim về đề tài gia đình như Sống chung với mẹ chồng, Về nhà đi con, Hương vị tình thân, Gạo nếp gạo tẻ... luôn thu hút sự quan tâm của khán giả Việt. Mâu thuẫn giữa các thế hệ, mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân đóng vai trò chủ đạo trong kịch bản phim.

Đạo diễn Phạm Việt Phước - Giám đốc hãng phim truyền hình TP.HCM - cho biết đề tài hôn nhân gia đình luôn được đón nhận vì khán giả đều thấy mình trong đó. "Tuy nhiên, phim truyền hình Việt thiếu sự mới mẻ. Câu chuyện không mới chứ không phải đề tài không hấp dẫn", đạo diễn Phạm Việt Phước nêu.

Thậm chí, tình tiết phim Việt bấy lâu này không khó đoán. Biên kịch và đạo diễn thường chọn giải pháp an toàn, kết thúc theo kiểu "cả nhà cùng vui".

Thiếu biên tập giỏi

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã khẳng định thiếu biên tập giỏi là vấn nạn của phim truyện nói chung và truyền hình nói riêng. "Tìm hiểu tư liệu, hiểu biết về tâm lý con người, sự thống nhất của câu chuyện, tất cả đều là các bước quan trọng trong quy trình sáng tác. Thực hiện không đầy đủ hoặc không biết cách thể hiện sẽ làm câu chuyện không đủ hấp dẫn", chị cho biết.

Thông gia ngõ hẹp đang lên sóng khung giờ vàng VTV là ví dụ điển hình. Kịch bản phim sớm lộ điểm yếu.

Linh và Phan (Việt Hoa - Trọng Lân thủ vai) là tuyến nhân vật chính nhưng không mấy ấn tượng. Các tình tiết được cài cắm kém duyên như con dâu trốn chui trốn lủi suốt bao năm không được mẹ chấp nhận, cặp đôi U60 mâu thuẫn vì ghen tuông...

Phim truyền hình Việt: Đề tài cũ, mòn ảnh 1

Phim Thông gia ngõ hẹp thiếu hấp dẫn dù lên sóng giờ vàng. Ảnh: CMH.

Ở chiều hướng khác, mảng phim chính luận về các ngành nghề đặc thù có sự đầu tư nhưng kịch bản chỉ dừng ở mức an toàn, yếu tố nghề chuyên biệt còn thiếu rõ nét. Hành trình công lý đang phát sóng trên VTV3 cũng có nhiều tình tiết bị khán giả phản ứng. Ngoài cảnh nóng, tiểu tam - vốn là những chi tiết thường gây tranh cãi bấy lâu - yếu tố chuyên môn của bộ phim về nghề luật sư cũng thiếu chặt chẽ.

Phương (Hồng Diễm) bị cho là ngây ngô khi cho tiền lễ tân để khai thác thông tin, phản bội thân chủ và làm việc theo cảm tính. Cách "mở nút" thiếu thuyết phục dễ gây tình trạng đầu voi đuôi chuột cho các bộ phim có yếu tố điều tra, phá án.

Phim truyền hình Việt: Đề tài cũ, mòn ảnh 2
Nữ chính Hành trình công lý chưa bộc lộ khả năng trong nghề mà dựa nhiều vào may mắn để giải quyết các vụ kiện. Ảnh: CMH.

"Chúng ta chưa khai thác được hết các khía cạnh của cùng một chủ đề, vẫn quanh đi quẩn lại với yêu đương, phản bội, trả thù… Trong khi với chủ đề đó, phim ảnh nước ngoài khai thác tối đa các kịch tính, mâu thuẫn. Họ đưa vào đó cả những kiến thức, thông tin rất mới, rất thật và rất gần với cuộc sống hiện tại", đạo diễn Phạm Việt Phước chia sẻ với Tiền Phong.

Anh nêu dẫn chứng, giả sử cùng làm phim về nghề y, nhưng phim Hàn Quốc "không phim nào giống phim nào". Các bộ phim về ngành y của Hàn Quốc có thể kể đến Hậu duệ mặt trời, Người thầy y đức, Bác sĩ tim, Những bác sĩ tài hoa...

Nếu chỉ xoay vần giữa những đề tài, tình tiết quá quen thuộc, phim truyền hình Việt khó bứt phá để cạnh tranh với các tác phẩm quốc tế, ít nhất là so với các nước lân cận.

Chờ "phá kén"

Hai yếu tố quan trọng nhất của phim truyền hình là nội dung và cách thể hiện. Để truyền hình Việt tránh đi theo lối mòn bằng kịch bản đơn điệu, nhà làm phim cần mạnh dạn thử sức với những mảng đề tài mới.

Đạo diễn Phạm Việt Phước cho rằng: "Khán giả đã bắt đầu chán với thế giới hiện thực và họ cần bay bổng đến những nơi mà trí tưởng tượng có thể thoả sức phát triển. Điều này, phim truyền hình của chúng ta chưa thể tiếp cận".

Phim truyền hình Việt: Đề tài cũ, mòn ảnh 3

Truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc có nhiều phim xuyên không ấn tượng.

Một phần do kinh phí còn eo hẹp, nhiều nhà làm phim Việt đành phải "liệu cơm gắp mắm", cố gắng làm mới. "Con người vẫn là yếu tố quyết định. Nếu được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và đồng bộ ở tất cả khâu như Hàn Quốc đã làm cách đây 20 năm, đó là điều tuyệt vời với phim ảnh Việt. Tuy nhiên, thay vì ngồi chờ đợi được đào tạo thì mọi người cần phải tự mình học hỏi", đạo diễn Phạm Việt Phước đề xuất.

Phim truyền hình Việt: Đề tài cũ, mòn ảnh 4

Phim về chiến tranh, lịch sử thưa vắng trên màn ảnh nhỏ. Ảnh: CMH.

Với ưu thế về nguồn nhân lực, công nghệ làm phim hiện đại, đặc biệt là kinh nghiệm vượt khó sau hai năm nghệ thuật lao đao vì COVID-19, khán giả Việt vẫn có quyền hy vọng vào sự "thay da đổi thịt" của phim truyền hình trong nước.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng chia sẻ với Tiền Phong: "Tôi nghĩ chúng ta tiếp cận nhanh từ vấn đề công nghệ, kỹ thuật và việc tổ chức sản xuất. Từ việc sản xuất những series dài trên truyền hình đến những series ngắn hơn trên mạng khá nhạy bén. Tuy nhiên, do cách làm việc thường không có tính chiến lược nên chỉ được một thời gian ngắn là gặp vấn đề về chất lượng.

Nhất là những phim từ nguồn vốn xã hội hoá được sản xuất ồ ạt, tạp nham, không kiểm soát nên phim được phim không. Tuy nhiên, có những phim truyền hình được nhà nước đầu tư, đặt hàng cũng rơi vào tình trạng chất lượng thảm hoạ, đôi khi không thể phát sóng".

Tin liên quan