> Hãy tập giật mình khi xem phim trẻ con
Cảnh phim “Phiêu lưu mùa hè”. Ảnh: TFS. |
“Kịch bản phim thiếu nhi vừa thiếu, vừa yếu. Phim truyền hình cần nhiều tập, khoảng 30 tập trở lên, chứ ngắn tập như ngày trước rất khó làm. Kịch bản thiếu là một phần, hơn nữa làm gì có diễn viên nhí đóng tốt”, nhà biên kịch Đoàn Trúc Quỳnh chia sẻ.
Các hãng phim rất ít đặt hàng phim dạng này. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam: “Trước kia, VFC sản xuất một số phim thiếu nhi, như Đội đặc nhiệm nhà C21. Gần đây, đề tài thiếu nhi lẩn vào câu chuyện gia đình. Làm phim cho đối tượng chuyên biệt cần phải đậm, nhưng diễn viên nhí của mình nhiều hạn chế. Thêm nữa, thiếu nhi có nhiều chương trình riêng: Kênh phim hoạt hình, Đồ Rê Mí, Chúc bé ngủ ngon, hoặc phim ngắn do kênh VTV6 làm”.
Nói thêm về casting diễn viên, đạo diễn Đinh Đức Liêm kể: “Diễn viên nhí của mình không được đào tạo. Đa số toàn qua giới thiệu, và xuất thân đội kịch thiếu nhi nên ít điều kiện cho đạo diễn chọn. Chọn được rồi lại vấp phải khó khăn khác.
Học sinh bây giờ đa phần nội trú, bán trú, chương trình học căng. Phụ huynh chỉ cho con sinh hoạt câu lạc bộ kiểu chơi chơi, chứ không chịu cho nghỉ học đóng phim dài dài. Có một số ít thực sự đam mê, gia đình mới chấp nhận cho con học bổ túc để lấy thời gian quay phim”.
Đinh Đức Liêm từng làm Vai diễn đầu đời về cậu bé mê cải lương. Ông nhận mình may vì chọn được diễn viên nhí khi ấy là Võ Thanh Hòa, sau này đóng đạt vai Điền trong Cánh đồng bất tận. Thanh Hòa là con trai vợ chồng bạn anh, cũng hoạt động nghệ thuật.
“Diễn viên được đào tạo biết một số kiến thức cơ bản, có sự dạn dĩ rồi, khi làm việc sẽ dễ hơn nhiều. Nhưng không phải ai đào tạo xong cũng diễn được, năng khiếu thiên bẩm vẫn là yếu tố hàng đầu. Trẻ con phải khai thác nét hồn nhiên, không cần kỹ thuật lắm, vì kỹ thuật chỉ giúp trẻ bạo và vào vai nhanh hơn”, theo Đinh Đức Liêm.
Dịp hè này, hoạt hình nội tịnh không có phim mới nào xuất xưởng, chỉ còn lựa chọn phim nước ngoài. Ở mảng phim truyền hình, Phiêu lưu mùa hè, Lục lạc huyền bí, Trạng Tèo, Hương vị ô mai và Nhiệm vụ đặc biệt là năm tên phim lần lượt lên sóng truyền hình HTV của TPHCM. Trong số này thì Lục lạc huyền bí, Hương vị ô mai đặc biệt dành cho tuổi học trò.
Dàn diễn viên Lục lạc huyền bí (50 tập) cũng tuyển toàn gương mặt mới toanh tuổi 9X vào vai các cô cậu học trò cá biệt lớp 11, gặp gỡ và kết thân thần Xui xẻo, vị thần này lại sẵn nhu cầu giúp đỡ người để giải xui. Hương vị ô mai cũng xâu chuỗi những câu chuyện nhà trường, gia đình, tình cảm bạn bè, chuyện ganh đua của lứa tuổi nhất quỷ nhì ma.
Phiêu lưu mùa hè (15 tập), Trạng Tèo (30 tập) và Nhiệm vụ đặc biệt (32 tập) có vẻ cận vào đối tượng thiếu nhi hơn cả. Cậu bé 10 tuổi thích lập luận, có cách giải quyết những khúc mắc trong gia đình khá ngộ nghĩnh. Hai phim còn lại cùng hướng về trẻ thành phố về quê nghỉ hè, ở đó mở ra cả thế giới đầy kỳ thú. Nếu Phiêu lưu mùa hè dẫn dặt nhóm trẻ theo dấu chân bọn lâm tặc, thì Nhiệm vụ đặc biệt lại kể về hành trình cậu ấm về quê cai nghiện… game.
Thế nhưng các phim này đều phát trên đài truyền hình TPHCM, khán giả miền Bắc có vẻ bị lãng quên. Trẻ thành thị có cơ hội tiếp cận truyền hình trả tiền, còn trẻ vùng quê, vùng sâu xa tạm bằng lòng với các phim đến hẹn lại lên, điển hình như Tây du kí.
Nhà biên kịch Đoàn Trúc Quỳnh cho rằng, gần như hiếm có nhà biên kịch nào chuyên tâm viết cho trẻ. Những phim như Đất rừng Phương Nam, Kính vạn hoa thành công một phần nhờ vào sự nổi tiếng của tác phẩm văn học.