Vở kịch Dạ cổ hoài lang xoay quanh tâm sự của hai ông già sống trên đất Mỹ day dứt với nỗi nhớ quê hương và sự thực không thể hòa nhập với cuộc sống hiện đại. Bộ phim chuyển thể từ vở diễn này dù có những thêm thắt và thay đổi vẫn khá trung thành với kịch bản sân khấu. Tác giả Thanh Hoàng cũng là người chấp bút cho kịch bản chuyển thể điện ảnh.
Từ bốn nhân vật trên sân khấu gồm ông Tư Lành, ông Năm Triều, Tâm-cháu gái ông Tư- và cậu bạn trai, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ắt phải thêm thắt nhiều khi đưa câu chuyện lên màn ảnh rộng. Đạo diễn đưa tuyến nhân vật thiếu nhi Trọng Khang-Hoàng Quân-Thanh Mỹ rồi Đình Hiếu-Will-Oanh Kiều để khắc họa đầy đủ hơn chuyện tình tay ba của Tư Lành-Năm Triều-Út Trong ở mảnh đất Nam bộ xưa. Nhân vật cậu bạn trai của Tâm cũng được chuyển đổi từ người Việt sang chàng trai da đen không biết tiếng Việt khá hợp lý và tăng thêm sự đồng cảm của khán giả. Trong vở kịch, con trai ông Tư được nhắc tới là người luôn muốn chối bỏ quê hương nay có một vai nhỏ trên phim và phần nào khiến câu chuyện đầy đủ, đa dạng cảm xúc hơn. Tuy nhiên, Tris Lê trong vai Tâm non nớt, diễn xuất giật cục và thiếu tự nhiên cũng khiến khán giả khó đồng cảm hơn. Đạo diễn muốn đưa góc nhìn người trẻ về thế hệ cha ông mình nhưng cuối cùng nó chỉ dừng lại ở những lời kể thay vì truyền cảm bằng diễn xuất.
Xem xong bộ phim, nhiều khán giả có cảm giác đạo diễn quá an toàn khi thực hiện bộ phim này bởi không dám phá cách. Phần lớn bộ phim đều neo trên nền vở diễn ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ khán giả khóc cười cùng các nhân vật. Kịch bản Dạ cổ hoài lang mang đậm tính sân khấu bởi ít tình huống và cao trào lại rất nhiều thoại-đương nhiên khi lên phim được tiết chế hơn. Những nỗ lực như lặn lội sang Bắc Mỹ quay phim giữa bão tuyết, đưa cảnh đồng quê Nam bộ nên thơ vào phim cũng chỉ có thể làm cho bộ phim bớt tính sân khấu đi một chút. Những trường đoạn nội cảnh gây cảm giác như đạo diễn tái hiện một sân khấu trong phim và ở đó các nhân vật làm tròn nhiệm vụ kể chuyện.
Chọn Hoài Linh-Chí Tài cho hai vai chính trong phim có lẽ cũng khá hợp lý. Vai ông Tư là một trong số vai làm nên tên tuổi NSƯT Thành Lộc, tuy nhiên, nếu mời anh tiếp tục đóng vai này sẽ càng khiến phim giống kịch hơn. Trên sân khấu, cặp diễn viên Thành Lộc-Việt Anh từng lấy nước mắt khán giả nhưng theo kiểu một vở diễn-khán giả sống trực tiếp trong bầu không khí và sự tương tác của diễn viên. Hoài Linh cũng từng đóng ông Tư trên sân khấu, khi vào phim anh có cách xử lý riêng khá tinh tế. Ông Tư cùng cảnh tha hương như ông Năm nhưng lại nhiều ẩn ức hơn, có lẽ vậy Hoài Linh luôn nén cảm xúc vào trong chỉ để nó bật ra ở những giây phút phù hợp. Anh có được trải nghiệm nhiều năm sống và lập nghiệp nơi đất khách nên tạo được sự chân thật khi xây dựng tâm lý nhân vật. Chí Tài thường được nhìn ở vai trò nghệ sỹ hài nhưng trong phim này là sự nhập vai hợp lý, thú vị.
Ai đó chờ đợi âm hưởng bản Dạ cổ hoài lang thật đậm đặc trong phim có lẽ cũng có chút hụt hẫng. Nhạc sỹ Đức Trí là người viết nhạc cho vở kịch nay tiếp tục được mời làm giám đốc âm nhạc cho phim. Nhạc nền gần như chạy suốt từ đầu đến cuối phim giống cách làm nhạc của Hollywood, còn bản Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu vang lên hai lần ở hai tình huống. Đây cũng là hai trong số khoảnh khắc mang lại cảm xúc mạnh nhất.
Dạ cổ hoài lang chắc chắn hợp gu khán giả trong Nam hơn. Không chỉ bởi chất Nam bộ rõ nét trong từng hoàn cảnh, câu chuyện kể cả dàn diễn viên và đặc biệt diễn viên chính Hoài Linh mà còn ở những kỷ niệm và hồi ức nhiều thế hệ khán giả từng sống với vở diễn sân khấu. Đạo diễn nảy ra ý định làm phim này cũng dựa trên kỷ niệm gắn với vở kịch khi còn là sinh viên.