Khi bóng chiều buông xuống và nhiều đàn ông kéo đến quán bar nơi cô đang làm việc, cô chỉ biết gặm móng tay một cách lo lắng.
Du khách nước ngoài đang đổ về TP Angeles, một trong 23 địa điểm nơi SEA Games đang diễn ra. Tổng số 8.750 vận động viên đến từ 11 quốc gia đến Philippines để tranh tài trong 531 cuộc thi đấu diễn ra trong 12 ngày.
Quản lý quán bar nơi Julianne làm việc dọa sẽ giảm tiền của các nhân viên nếu họ không chịu tháp tùng khách hàng nam về khách sạn của họ.
Giới chức địa phương cho biết có hàng ngàn phụ nữ và trẻ em đang đối diện với tình trạng bị bóc lột tình dục nhiều hơn, trong khi các cơ quan chính phủ không thể bảo vệ họ.
Cả Angeles và Vịnh Subic, nằm cách thủ đô Manila vài giờ lái xe về phía bắc, đang được bên ngoài biết đến như những điểm đến của du lịch tình dục. Mại dâm bị coi là bất hợp pháp ở Philippines và các bé gái không được làm việc trong các quán bar nếu chưa đủ 18 tuổi. Nhưng quy tắc thường bị vi phạm và giấy khai sinh thường bị tráo đổi.
Bà Yvette Coronel, thành viên ban thư ký Liên minh chống buôn bán người (IACAT), một cơ quan thuộc Bộ Tư pháp Philippines, nói rằng vấn đề buôn bán phụ nữ làm gái mại dâm không được tính đến trước khi SEA Games diễn ra.
“Chúng tôi đáng ra phải làm điều đó, vì Angeles và Subic nổi tiếng là điểm nóng về buôn bán người”, bà Coronel nói.
“Không phải vận động viên từ các nước tạo ra rủi ro, mà có thể là bất kỳ ai đi cùng họ: các thành viên của đoàn, huấn luận viên và những người đến xem. Những cô gái ở các thành phố đó rất dễ bị tổn thương”, bà Coronel cho biết.
Theo tìm hiểu của báo Hong Kong South China Morning Post, phụ nữ từ Trung Quốc và Việt Nam cũng bị đưa sang đây để cung cấp dịch vụ tình dục trong thời gian diễn ra đại hội thể thao khu vực. Cảnh sát địa phương cho biết họ đã cứu được hơn 20 người tài nhiều địa điểm ở Angeles trong 10 ngày qua.
Nhưng bà Rhea Mutuc, giám đốc sở du lịch TP Angeles, nói rằng cho đến nay bà chưa biết về tình trạng gia tăng bóc lột tình dục trong thời gian SEA Games.
Đêm trước lễ khai mạc SEA Games hôm 20/11, Văn phòng thông tin TP Angeles cho biết giới chức địa phương gom được 44 gái mại dâm và nhân viên mát xa không xuất trình được giấy tờ cá nhân. Cơ quan này không nhắc đến chuyện bắt giữ bất kỳ người đàn ông nước ngoài nào vi phạm ở quận đèn đỏ hay dẫn các cô gái vị thành niên đến những nhà nghỉ nằm khắp thành phố.
Reema, 26 tuổi, là phục vụ trong một quán bar do người Hàn Quốc làm chủ ở khu giải trí đông đúc nhất Angeles. Cô kể rằng cô thấy một ban nhạc kèn đồng gồm khoảng 15 cảnh sát mặc đồng phục dẫn đầu nhóm vũ công đi khắp quận đèn đỏ để chơi bản nhạc O’ Come, All Ye Faithful hôm 6/12. “Đều là thể hiện thôi. Họ nói sẽ tăng cường an ninh, nhưng chỉ có thế”, cô nói.
Cô nói rằng nguy cơ khiến hầu hết gái mại dâm và nạn nhân bị bán không dám chủ động tìm cảnh sát.
Các nhà hoạt động nhân quyền cũng im hơi lặng tiếng trong thời gian này, trái ngược hẳn hồi diễn ra các sự kiện thể thao quốc tế quan trọng khác như Thế vận hội mùa đông 2018 ở Pyeongchang và Đại hội võ thuật và thể thao trong nhà 2017 tại Turkmenistan.
Năm 2018, tổ chức bảo vệ trẻ em Child Rights Coalition Asia (CRC) công khai kêu gọi ban tổ chức Đại hội thể thao châu Á ở Jakarta, Indonesia, triển khai chiến lược bảo vệ trẻ em trên diện rộng trước khi sự kiện diễn ra. Văn phòng của CRC ở Manila không đưa ra tuyên bố tương tự nào trước thềm SEA Games năm nay, nhưng không cho biết lý do tại sao.
Reema cho biết cô ước rằng quyền lợi của các phụ nữ và bé gái ở Angeles được chú ý hơn. “Mọi thứ rất tệ, khi thấy bất kỳ cô gái nào, du khách cũng nghĩ: ‘Ồ, cô kia là người Philippines, tôi có thể mua cô ấy để sex”, Reema nói.
“Bất kể bạn mặc gì, có đi cùng con bạn hay bạn đã nhiều tuổi, đàn ông vẫn nghĩ họ có thể chộp hoặc sờ mó bạn, vì không ai bảo họ rằng điều đó không được”, Reema nói.
Đối với Julianne, nguy cơ bị bóc lột nhiều hơn trong dịp SEA Games là điều cô đoán trước được. “Tôi không mong mọi người giúp mình. Tôi nghĩ là con gái ở đây luôn phải vất vả”, cô gái vừa nói vừa xoắn lọn tóc nâu dài của mình.
*Tên nhân vật đã được thay đổi