Philippines lại 'trục trặc' với Mỹ

Ông Duterte và bà de Lima, người đang ngồi tù
Ông Duterte và bà de Lima, người đang ngồi tù
TP - Philippines đã ra lệnh cấm hai nghị sỹ Mỹ và sẽ công bố các quy định mới hạn chế công dân Mỹ nhập cảnh nước này nếu Washington thực thi các lệnh cấm liên quan đến việc giới chức bắt giữ một nhà chỉ trích chính phủ ở Manila, người phát ngôn tổng thống Philippines tuyên bố hôm qua.

Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ ban hành thêm các yêu cầu đối với công dân Mỹ trong trường hợp họ xin thị thực nhập cảnh, nếu có bất kỳ quan chức Philippines nào liên quan việc bỏ tù thượng nghị sỹ Leila de Lima bị từ chối thị thực vào Mỹ, theo một dự luật được hai nghị sỹ Mỹ là Richard Durbin và Patrick Leahy đề xuất.

Động thái của tổng thống Duterte xuất hiện sau khi hạ viện Mỹ phê chuẩn chương trình ngân sách năm 2020 có điều khoản do hai nghị sỹ nói trên đề xuất, chống lại bất kỳ ai liên quan đến việc bắt giữ bà de Lima, người bị kết án liên quan đến ma túy hồi đầu năm 2017 sau khi bà chỉ đạo một cuộc điều tra nhằm vào các hoạt động giết chóc trong chiến dịch chống ma túy tai tiếng của tổng thống Duterte.

“Chúng tôi sẽ không ngồi nhìn nếu họ tiếp tục can dự vào công việc của một nhà nước độc lập”, người phát ngôn của tổng thống Philippines Salvador Panelo nói tại một cuộc họp báo, theo tin của Reuters.

Hiện nay Philippines miễn thị thực nhập cảnh tới 30 ngày đối với công dân Mỹ. Trong 9 tháng đầu năm nay có 792.000 người Mỹ tới Philippines, chiếm 13% khách nước ngoài, theo số liệu của chính phủ.

Ông Panelo nói hạn chế đi lại liên quan đến việc bắt giam bà de Lima là vô lý bởi bà này không hề vô tội mà bị bắt giữ chờ xét xử về các tội đã phạm phải.

“Trường hợp thượng nghị sỹ de Lima không phải là bức hại mà là hoạt động tố tụng”, ông nói.
Tổng thống Duterte không hề giấu diếm sự ác cảm đối với Mỹ cũng như cái mà ông gọi là sự can dự, thói đạo đức giả của Washington, nhưng thừa nhận hầu hết người Philippines và quân đội nước này rất tôn trọng Mỹ, quốc gia từng đô hộ Philippines cuối thế kỷ 19. Từ khi lên nắm quyền năm 2016, ông Duterte nhiều lần chỉ trích Mỹ và có nhiều động thái xích lại gần Trung Quốc.

Hiện nay Mỹ vẫn là đồng minh quân sự lớn nhất, là quốc gia phương Tây có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Nhiều triệu người Philippines có họ hàng là công dân Mỹ. De Lima, từng là bộ trưởng tư pháp trong chính quyền tiền nhiệm ở Philippines. Bà de Lima thường xuyên phát ngôn chống lại ông Duterte, kêu gọi quốc tế điều tra cuộc chiến chống ma túy của ông, được nói là đã khiến hàng ngàn người mất mạng.

Cảnh sát nói những người bị giết là các tay buôn ma túy chống lại lực lượng công vụ, nhưng một số nhà hoạt động tin rằng nhiều vụ giết chóc có hành vi sát nhân.

Hôm 23/12, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký luật ngân sách 2020 có điều khoản liên quan vụ de Lima. Chương “Cấm nhập cảnh” trong nhóm điều khoản chung về ngân sách của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng ngoại trưởng Mỹ (hiện nay là ông Mike Pompeo) “có thể áp dụng các điều khoản phụ đối với các quan chức chính phủ nước ngoài mà ngài ngoại trưởng có thông tin đáng tin cậy liên quan đến việc bỏ tù sai trái đối với… thượng nghị sỹ Leila de Lima, người bị bắt tại Philippines hồi năm 2017.”

Theo tờ Rappler (Philippines), theo các điều khoản luật ngân sách 2020 của Mỹ, các quan chức Philippines bị cho là có liên quan đến vụ de Lima sẽ bị từ chối thị thực nhập cảnh Mỹ và trong trường hợp các lệnh trừng phạt được thông qua, tài khoản ngân hàng và tài sản của họ ở Mỹ sẽ bị phong tỏa. Tuy nhiên, hiện nay thượng viện Mỹ chưa phê chuẩn nghị quyết này.

Theo Rappler, trước đó bà de Lima đã đưa ra một danh sách các quan chức, nhân vật mà bà này cho là có liên quan đến việc bắt giữ và tống giam bà. Nhóm nay bao gồm tổng thống Duterte, người phát ngôn Panelo, cựu chủ tịch Hạ viện Pantaleon Alvarez, cựu bộ trưởng Tư pháp Vitaliano Aguirre, bộ trưởng Tư pháp Jose Calida...

MỚI - NÓNG