Tìm kiếm người tài
Tối ngày 24/7, tại TPHCM, Tập đoàn REE đã long trọng tổ chức Lễ chuyển giao thế hệ tập đoàn. Không chỉ là lễ bổ nhiệm vị trí tổng giám đốc thông thường, mà buổi chuyển giao thế hệ này đã được Tập đoàn REE tổ chức trong không khí long trọng với sự hiện diện, chứng kiến của rất đông cán bộ nhân viên tập đoàn cùng nhiều cơ quan báo chí.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Mai Thanh kiêm nhiệm cả vị trí chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc REE đã chính thức rời ghế CEO. Người thay bà Thanh kế nhiệm vị trí này là ông Huỳnh Thanh Hải từ 1/8/2020 với nhiệm kỳ ba năm.
Thời điểm đó, đây thực sự là thông tin đáng chú ý bởi lâu nay, bà Nguyễn Thị Mai Thanh được xem như “linh hồn” của REE. Trong 43 năm REE thành lập, người ta nhẩm tính có đến 38 năm có sự hiện diện của “bông hồng thép” này. Bà Thanh, thậm chí từng ghi nhiều dấu ấn đậm sâu về tài cầm quân. Còn nhớ, REE không chỉ một trong những doanh nghiệp tiên phong phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài mà đặc biệt hơn, đây là công ty đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam. Liên tiếp sau ngày lên sàn niêm yết, REE không ngừng thay đổi, tiến quân từ một công ty cơ điện lạnh bước vào lĩnh vực bất động sản và hiện đang đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD vốn hóa thị trường trong 5 năm tới.
Sau thời gian cống hiến, gắn toàn bộ tuổi trẻ và sự nghiệp vào REE, bà Mai Thanh từng không ít lần bày tỏ thế hệ trẻ phải đảm nhận vai trò điều hành. Bà Thanh cũng chia sẻ: Việc tìm kiếm các ứng viên bên ngoài đã được thực hiện nhiều năm thông qua các đơn vị săn đầu người nhưng không thành công. Cuối cùng, để chuẩn bị hành trang người kế nhiệm - tân tổng giám đốc đã được cử đi đào tạo tại nước ngoài 2 năm và đến giờ sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Ông Hải tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Royal Roads University (Canada) và có 26 năm làm việc tại REE.
Từ cha sang con
Cùng thời điểm chuyển giao của Tập đoàn REE, vào 23/7/2020, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng khiến dư luận xôn xao khi thông qua đơn từ nhiệm chức vụ tổng giám đốc của ông Lê Viết Hải, người sáng lập Hòa Bình đồng thời là chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức vụ này hơn ba thập niên qua. Người thay thế ông ở Hòa Bình đặc biệt hơn, đó chính là con trai ông - Lê Viết Hiếu với thời gian bổ nhiệm hai năm.
CEO mới của tập đoàn Hòa Bình sinh năm 1992, là cử nhân quản trị kinh doanh chuyên ngành tài chính doanh nghiệp, đại học Califonia Polytechnic State, San Luis Obispo (Mỹ). Trước khi gia nhập công ty gia đình từ năm 2016, ông Hiếu từng làm việc tại ngân hàng Shinhan Việt Nam. Còn trước khi thành tân CEO, ông Hiếu đã kinh qua các vị trí giám đốc phát triển thị trường nước ngoài và Phó Tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc của HBC.
Hòa Bình là tập đoàn xây dựng có quy mô lớn thứ hai, sau Coteccons. Năm ngoái tập đoàn ghi nhận doanh thu 18.609 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh gần 35%, đạt hơn 405 tỷ đồng. Trong đại dịch Covid -19 này, nhận nhiệm vụ đúng lúc các chỉ số kinh doanh của Hòa Bình đều sụt giảm khiến dư luận đều quan ngại: “không biết người kế nhiệm Lê Viết Hiếu có đủ sức lái con tàu vượt qua khó khăn?
Nhìn nhận về các câu chuyện chuyển giao, một chuyên gia kinh tế khẳng định: Chuyển dịch lãnh đạo là một trong số các vấn đề áp lực nhất đối với doanh nghiệp gia đình. Trong giai đoạn hội nhập cạnh tranh đầy khốc liệt hiện nay, câu chuyện chuyển giao quyền lực tại các doanh nghiệp Việt trở thành một đề tài được quan tâm hơn bao giờ hết. Bởi đây không chỉ là chuyển giao tài sản, mà là chuyển giao cả một sự nghiệp được xây dựng rất nhiều năm trời.
Kế cận và truyền lửa
Hiện, còn có một thế hệ F1 kế cận nhưng chưa tiếp quản hẳn. Vài năm trở lại đây, giới kinh doanh đã quá quen với hình ảnh trưởng nữ Trần Uyên Phương của ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) xuất hiện tại nhiều sự kiện, nhiều hoạt động của doanh nghiệp trước cộng đồng. Uyên Phương giỏi đó là điều ai cũng nhận thấy khi cô làm việc bất kể ngày đêm, liên tục bay xuyên quốc gia, viết sách, lăn xả vào thương trường, hoạt động cộng đồng hay cùng cha quyết những quyết sách lớn của doanh nghiệp. Nhưng để vượt qua được cái bóng “khổng lồ” của doanh nhân tỷ phú Việt - Dr Thanh, hẳn cô sẽ còn một quá trình”tôi luyện”. Truyền lửa cho các thế hệ kinh doanh phía sau, cho các con gái và gia đình, đó là cách ông Thanh vẫn đang làm khi song hành cùng con gái trong bước đường kinh doanh. Trong một lần gặp và chia sẻ với người viết, Phương từng nói rằng, ba cô luôn là hình mẫu cho cô vươn tới về nghị lực và là người truyền lửa cho cô.
Câu chuyện chuyển giao thế hệ nhiều năm trời nay, trở thành một vấn đề “khó xử” tại nhiều tập đoàn tên tuổi lớn ở Việt Nam. Cùng lúc tại nhiều gia đình “tầm cỡ” khác như các tỷ phú Việt: ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), Nguyễn Thị Phương Thảo (VietJet Air), Nguyễn Đăng Quang (Masan Group), Nguyễn Đình Long (Tập đoàn Hòa Phát), Nguyễn Hùng Anh (Ngân hàng Techcombank) bóng dáng những “cô chiêu, cậu tú” vẫn đang được “ủ” kỹ. Thậm chí, rất nhiều các doanh nhân trong số này, còn đang âm thầm “ép” thế hệ kế cận không ngừng trau dồi, rèn giũa.
Với việc không thể kiêm nhiệm cả hai chức danh chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, năm 2020, đã có một sự thay đổi đặc biệt diễn ra tại một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp đã hoàn tất tách bạch 2 chức danh này như Tập đoàn Masan, Vinaseed, VnDirect… Còn theo nghiên cứu mới đây của Deloitte toàn cầu, chỉ có 30% doanh nghiệp gia đình thực hiện chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 2 và 12% chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 3, chỉ 3% chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 4 và các thế hệ tiếp theo.