Phía sau mỗi bài báo nhập vai điều tra

0:00 / 0:00
0:00
TP - Phía sau mỗi bài báo nhập vai điều tra là từng phút từng giây căng não của đồng nghiệp hỗ trợ, là bao đêm trăn trở không ngủ lo lắng của người thân. Nhưng bài báo luôn đồng hành với người yếu thế đòi lại công bằng là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với nghề báo.
Phía sau mỗi bài báo nhập vai điều tra ảnh 1
PV mặc trang phục thợ lặn để trải nghiệm viết về thợ lặn ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh)

“Cẩn thận kẻo gà trống nuôi con”

Tốt nghiệp đại học, tôi may mắn có cơ hội được làm cộng tác viên của Ban Kinh tế - báo Tiền Phong. Những tháng ngày được làm cộng tác viên, phóng viên, sự dạy dỗ, hướng dẫn của anh chị đồng nghiệp đã giúp tôi từng bước trưởng thành. Với sự hướng dẫn của lãnh đạo ban Kinh tế, tôi đã thực hiện nhiều loạt bài nhập vai như Nữ cửu vạn vùng biên (năm 2015); Thâm nhập lò chiết ga lậu (năm 2016); Tôi đi làm công nhân Samsung (năm 2017)…

Với nữ phóng viên nhập vai điều tra, trải nghiệm sau mỗi bài viết trước và sau khi lập gia đình thật khác biệt. Năm 2018, tôi lập gia đình. Chồng tôi là kỹ sư công nghệ thông tin. Anh ít nói và gần như trái ngược hoàn toàn với tôi. Có lẽ sự trầm tính, lắng nghe của anh chính là điểm tựa để tôi được hết mình với đam mê nghề nghiệp.

Tháng 8/2018 khi mang thai con gái đầu lòng, tôi phát hiện hàng loạt đường dây mang thai hộ, gom bà bầu cơ nhỡ về nuôi, chờ ngày sinh nở để bán lại trẻ sơ sinh dưới cái mác “cho - nhận con nuôi”.

Với bụng bầu 6 tháng, trong vai bà bầu cơ nhỡ, tôi xin vào ở trong “lò nuôi bà bầu” tại Nam Từ Liêm (Hà Nội). Những ngày ấy, chồng tôi không ăn không ngủ vì lo lắng cho vợ. Phía ngoài ngôi nhà nuôi bà bầu, em trai tôi trong bộ quần áo grab túc trực. Bà bầu cơ nhỡ, mang thai hộ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, hàng ngày có người đi chợ, nấu cơm kiêm “bảo vệ” trông kỹ. Gần một tuần sống trong “lò nuôi bà bầu”, tôi trốn thoát khỏi ngôi nhà.

Sau khi sinh con, tháng 3/2020, tôi tiếp tục theo đuổi đề tài bằng việc liên hệ với đầu mối mang thai hộ khác. Sau nhiều lần bắt mối, tôi được một cò mồi điều khiển đường dây đưa phụ nữ Việt vượt biên trái phép qua biên giới ở Lạng Sơn sang Trung Quốc mang thai hộ. Liên lạc qua Zalo, tôi được cò mồi sắp xếp cùng 3 phụ nữ khác ngồi xe khách từ Hà Nội lên bến xe ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và sẽ có người đón, dẫn vượt biên sang Trung Quốc.

Tối muộn, nghe vợ nói chuyện điện thoại với đối tượng cò mồi bên kia biên giới, chồng tôi trầm ngâm, đi ra đi vào, khuôn mặt rầu rĩ, anh nói: “Em cẩn thận, kẻo anh lại “gà trống nuôi con” .

Hơn 3h sáng hôm sau, tôi thức dậy, tạm biệt con gái 4 tháng tuổi và rời khỏi nhà lên chuyến xe ngược biên giới. Theo dự kiến, chỉ khoảng 18h chiều tôi về tới nhà. Nhưng sự việc ngoài dự tính, phải chạy dọc theo cò mồi đưa phụ nữ vượt biên, gần 22h đêm tôi mới về tới Hà Nội. Lần đầu tiên xa mẹ, con gái khóc đến lạc giọng.

Ngồi trên xe khách, nghe con gái khóc nấc qua điện thoại vì nhớ mẹ, lòng tôi quặn thắt. Con gái bé bỏng của tôi ngay từ trong bụng mẹ đã cùng với tôi trên hành trình thực hiện bài điều tra, phản ánh góc khuất trong xã hội, nhằm gióng chuông cảnh tỉnh cho người dân thiếu hiểu biết, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

Sau khi thực hiện bài viết này khoảng 6 tháng, gia đình bạn đọc phản ánh việc có con gái mất tích sau khi bị dụ dỗ vượt biên sang Trung Quốc mang thai hộ. Bằng hiểu biết của mình trong quá trình nhập vai điều tra, tôi chia sẻ thông tin, hỗ trợ gia đình đến khi đón con gái trở về.

Phía sau mỗi bài báo nhập vai điều tra ảnh 2
PV Quỳnh Nga khi nhập vai công nhân

Kỹ năng làm việc nhóm trong bài nhập vai, điều tra

Mỗi khi thực hiện loạt bài dấn thân, nhập vai, tôi luôn yên tâm bởi phía sau có anh chị lãnh đạo ban dõi theo, đồng nghiệp hỗ trợ. Một bài báo nhập vai thành công, sự hỗ trợ của đồng nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm là yếu tố quyết định hàng đầu. Báo cáo đề cương và quá trình thực hiện đề tài điều tra với lãnh đạo Ban kinh tế, tôi luôn nhận được lời động viên “cẩn thận em nhé” và sự đồng hành của đồng nghiệp.

Với đề tài về mang thai hộ, khi báo cáo đề tài với Trưởng ban Kinh tế Đình Thắng, điều đầu tiên anh dặn: “Để anh cử thêm phóng viên hỗ trợ em ở vòng ngoài”. Khi xin được địa chỉ “lò nuôi bà bầu”, Trưởng ban Đình Thắng dặn phóng viên Tuấn Nguyễn liên lạc với cơ quan chức năng như công an phường, công an quận để sẵn sàng nhờ ứng cứu nếu xảy ra bất trắc. Trong những ngày ở lò nuôi bà bầu, tôi định kỳ nhắn tin báo cáo lãnh đạo Ban Kinh tế để báo tin bình an.

Phía sau mỗi bài báo nhập vai điều tra ảnh 3

Những bài báo nhập vai của phóng viên Quỳnh Nga

Trong hành trình theo dấu chân phụ nữ liều mình theo đường dây mang thai hộ sang bên kia bên giới, tôi được phóng viên Tuấn Nguyễn hỗ trợ, theo sát. Lần tác nghiệp sau đó, tiếp cận một đường dây nhận người sang Campuchia mang thai, “cò mồi” đón tôi tại bến xe Giáp Bát và đưa tới phòng khám tại khu vực Cổng bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Hà Nội) siêu âm kiểm tra tử cung có đủ điều kiện mang thai hộ hay không.

Để đảm bảo an toàn, ngay khi tôi gặp cò mồi tại bến xe Giáp Bát, lãnh đạo Ban Kinh tế cử phóng viên Dương Hưng mặc đồng phục Grab trong vai xe ôm đi theo chiếc taxi chở tôi và cò mồi. Tới phòng khám, trong khi tôi kiểm tra bên trong, “grab bike” Dương Hưng đứng sẵn phía ngoài. Tranh thủ cò mồi sơ ý, với lý do đi vệ sinh, tôi chạy thoát thân lên xe ôm của phóng viên Dương Hưng trốn thoát.

Những loạt bài dấn thân, nhập vai của phóng viên Quỳnh Nga: Tôi đi làm phu đá (năm 2014), Bi kịch của tấm bằng cử nhân (năm 2014); Nữ cửu vạn vùng biên (năm 2015); Thâm nhập lò chiết ga lậu (năm 2016); Rủi ro đời thợ lặn (năm 2016); Tôi đi làm công nhân Samsung (năm 2017); Thâm nhập đường dây mang thai hộ (năm 2019); Ám ảnh bóng ma đa cấp thời 4.0; Tôi đi làm nhân viên môi giới Forex (năm 2020); Vào “lò đào tạo” nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ (năm 2023)…

Đồng hành cùng người dân đòi lại quyền lợi

Giữa năm 2022, nhiều người dân tá hỏa khi phát hiện gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng bỗng nhiên bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Từ một vài trường hợp lẻ tẻ ban đầu, số lượng người dân trở thành nạn nhân của bảo hiểm nhân thọ ngày càng lớn.

Trong quá trình tìm hiểu thông tin, tôi đến gặp cô Nguyễn Thị Hằng (Hà Nội). Trong căn hộ tập thể cũ rộng chừng 20m2, vừa cầm 2 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, cô Hằng nước mắt lưng tròng, không thốt nên lời. Bên ngoài, người chồng thương binh nói mãi những câu chuyện thời chiến.

“Tôi đi gửi tiết kiệm, nhân viên ngân hàng nói có sản phẩm tiết kiệm mới, lãi suất cao hơn, được tặng kèm bảo hiểm. Nhân viên đưa hồ sơ cho ký, khi tất toán, tôi mới phát hiện toàn bộ tiền tiết kiệm, lo chữa bệnh dưỡng già của vợ chồng tôi biến thành mua bảo hiểm nhân thọ. Bản thân tôi bị cao huyết áp, chồng thương binh không có khả năng lao động, chúng tôi không mua bảo hiểm nhưng giờ bị như này”, cô Hằng nghẹn ngào.

Cô Nguyễn Thị Liên (Hà Nội) cũng tìm tới báo Tiền Phong mong đòi lại tiền tiết kiệm bị hô biến thành bảo hiểm nhân thọ. Cô Liên ngậm ngùi, toàn bộ tiền lo tuổi già, tiền lo mộ phần lúc qua đời của 2 vợ chồng khi gửi tiết kiệm bị nhân viên ngân hàng tư vấn sai lệch, hô biến thành mua bảo hiểm nhân thọ.

Trước những bất cập của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, tôi đã nhập vai, tham gia lớp đào tạo trở thành tư vấn viên bảo hiểm để đi tìm nguyên nhân cho bất cập ở trên. Sau phản ánh của Tiền Phong, doanh nghiệp bảo hiểm trả lại tiền cho khách hàng gửi tiết kiệm bị tư vấn gian dối thành hợp đồng bảo hiểm. Tại toạ đàm “Hợp tác giữa bảo hiểm và ngân hàng: Vướng mắc cần tháo gỡ” tháng 4/2023, khách hàng bị “hô biến” tiền tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã gửi lời cảm ơn báo Tiền Phong đã đồng hành, góp tiếng nói để người yếu thế trong hành trình đòi lại công bằng.

MỚI - NÓNG