Phía sau loạt bài về người nghèo được 'tặng' siêu xe

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có lẽ trong đời làm báo, thực hiện thành công loạt bài “Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng” như một cột mốc quan trọng của nhóm tác giả. Đó là thử thách khác biệt với thời gian gần 7 năm theo đuổi: Lặng lẽ “soi văn bản”, quan sát các đường dây nhằng nhịt quan hệ...

Gần 7 năm cho 1 tuyến bài

Đề tài cũ nhưng lâu nay báo chí cũng mới tiếp cận lưng chừng, mang tính cảnh báo là chính. Thực ra, muốn điều tra cũng không dễ. Làm sao có thể moi được được văn bản và giữa muôn trùng mối quan hệ chìm-nổi đan xen. Trong khi đó, việc xe sang, thậm chí “siêu” xe nhan nhản về Việt Nam dưới danh nghĩa “quà biếu” đã diễn ra nhiều năm nay. Thậm chí có thời điểm, cơ quan chức năng còn thừa nhận những xe do Việt kiều nhập dưới dạng tài sản di chuyển chỉ 10% sử dụng đúng mục đích. Từ năm 2016, Tiền Phong đã có nhiều bài viết về hiện tượng này và lãnh đạo Chính phủ giai đoạn đó từng yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ vấn đề báo (Tiền Phong) nêu. Suốt 5 năm theo dõi, bám đuổi, đến năm 2021, khi tài liệu đã tích lũy tương đối; nhóm nhà báo và cả cộng tác viên mới thực sự bắt tay tập trung cao độ để triển khai. Sau này (năm 2022), từ loạt bài trên Tiền Phong, Ủy ban kiểm tra Trung ương yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan báo cáo tình hình nhập khẩu ô tô diện quà biếu tặng từ năm 2012 đến 31/5/2022. Trong đó, Hải quan phải làm rõ việc chênh lệch giá giữa xe nhập biếu tặng với xe nhập kinh doanh thương mại, lý do chênh lệch.

Phía sau loạt bài về người nghèo được 'tặng' siêu xe ảnh 1

Một trong nhiều tác giả tại hiện trường điều tra siêu xe (ảnh nhỏ); Xe biếu tặng nhập khẩu về Việt Nam đang mắc kẹt ở cảng Hải Phòng (ảnh lớn)

Phía sau loạt bài về người nghèo được 'tặng' siêu xe ảnh 2

Oái ăm thay, khi nhóm phóng viên cần tiếp cận những công ty “ma” hoặc những hộ nghèo được đầu nậu dùng giấy tờ tùy thân làm địa chỉ nhận “siêu” xe là thời điểm dịch bệnh bùng phát cao. Việc di chuyển giữa các địa phương đã vô cùng khó, chưa nói tới trước cổng cơ quan chức năng luôn có biển hạn chế tiếp xúc do dịch bệnh.

Vào cuộc xác minh, chúng tôi biết được đa phần những người nghèo đứng tên được tặng xe đều bị rò rỉ thông tin hình ảnh Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân trước đó trong quá trình làm cấp đổi sim điện thoại hoặc đăng tải trên mạng xã hội. Sau đó, bị các đối tượng xấu lợi dụng để làm khống hồ sơ cho/tặng siêu xe từ nước ngoài về hòng trục lợi.

Thế nhưng, những trường hợp trên chỉ là số ít, bởi theo báo cáo của Bộ Tài chính (gửi Thủ tướng sau khi rà soát, đánh giá lại công tác quản lý xe nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại-chủ yếu xe biếu tặng) cho thấy từ năm 2016 đến 30/5/2022, cả nước nhập hơn 3,8 nghìn xe biếu tặng. Tổng số tiền thuế theo kê khai của người khai hải quan đạt 8.874 tỷ đồng. Sau đó, hải quan đã xác định lại trị giá xe, ấn định số thuế phải nộp lên tới 13.317 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền thuế chênh lệch tăng thêm là 4.443 tỷ đồng.

Điển hình lách luật

Phải nói rằng, sau khi tuyến bài ra đời, ngay lập tức dư luận dậy sóng. Báo Tiền Phong cùng lúc chạy trên bản in, và xây dựng clip mô tả cận cảnh sự việc một cách công phu, bài bản. Nhiều đồng nghiệp gọi điện, nhắn tin nói rằng, rất lâu họ mới thấy loạt phóng sự điều tra thuyết phục, hấp dẫn. Tất nhiên cũng có một số ít hoài nghi liệu có trốn thuế hay không. Trên các mạng, từ khóa “xe sang biếu tặng” trở thành xu hướng (trend) hút người đọc, xem. Thậm chí, nhiều nhãn hàng ăn theo trend này tới 1-2 tuần. Nhiều tờ báo sau đó cùng vào cuộc, tổ chức tọa đàm...

Ngay lập tức Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý xe ô tô nhập khẩu theo loại hình quà biếu tại 4 cục hải quan liên quan. Chính phủ chỉ đạo; Công an vào cuộc... Đại biểu Quốc hội chất vấn sự việc trên nghị trường. Không khí nóng rực chưa từng thấy. Trong một cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cuối tháng 6/2022, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lúc bấy giờ, nói rằng, vụ siêu xe biếu tặng là điển hình trong việc lách luật, trốn thuế.

Sau loạt bài, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 45 (2022/TT-BTC sửa đổi), bổ sung Thông tư 143 (2015/TT-BTC) có nội dung: “Chính sách quản lý ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng, hàng mẫu, tài sản di chuyển thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ”. Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chính sách quản lý đối với ô tô nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.

Mới đây vào cuối tháng 5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì họp với các bộ, ngành liên quan việc điều chỉnh chính sách quản lý ô tô nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.

Loạt bài đã có tác động rất lớn tới thị trường ô tô tại Việt Nam, ngăn chặn sự thất thoát thuế, trục lợi từ các đối tượng chuyên kinh doanh siêu xe biếu tặng, xe sang nhập khẩu. Theo nguồn tin của Tiền Phong, hiện C03-Bộ Công an vẫn đang xác minh để đưa ra kết luận cuối cùng.

Tối nay 21/6, nhóm tác giả Đình Thắng -Tuấn Nguyễn-Dương Hưng - CTV Vi Bình sẽ nhận giải C Báo chí Quốc gia lần thứ XVII cho tuyến bài này. Mới nhất, theo nguồn tin của Tiền Phong, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Tân Bình (TPHCM) gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ xác minh 2 hồ sơ biếu tặng xe sang. Vụ việc hẳn sẽ dần dần hé lộ nhiều ẩn số.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.